Để giải quyết bài toán thoát lũ ở Huế, hai vấn đề cần phải được quan tâm đó là: chỉnh trị sông Hương và thoát nước bề mặt của đô thị Huế. Hiện, trên sông Hương, dòng chảy bị cản trở bởi các công trình ngăn mặn như Đập Đá, cửa Khâu, đập La Ỷ…và công trình đập ngăn mặn Thảo Long ở phía hạ nguồn. Nhiều ý kiến cho rằng, ở thời điểm này, việc ngăn mặn ở Huế chỉ cần đập Thảo Long là đủ, việc duy trì các công trình khác trên sông Hương là không cần thiết, chỉ làm tắc nghẽn dòng chảy sông Hương mà thôi.
Cùng với việc khơi thông dòng chảy sông Hương, quá trình đô thị hóa đã làm cho hệ thống thoát nước bề mặt của Huế đã không còn phù hợp. Nhiều vùng dân cư trước đây không bao giờ biết đến ngập lụt thì nay mới mưa đã ngập úng. Và bản đồ vùng ngập úng ngày càng mở rộng kèm theo quá trình đô thị hóa. Bởi, việc đầu tư phát triển đô thị ở Huế cũng đồng nghĩa với nhiều ao hồ, vốn là nơi thoát nước tự nhiên trước đây bị lấp nên việc chống ngập úng cho thành phố hết sức cấp thiết. Theo tính toán, hệ thống thoát nước thành phố Huế hiện chỉ có 100 km đường cống hỗn hợp và khoảng 50 km dựa vào sông và ao, hồ; tất cả chỉ mới đáp ứng được 25-30% yêu cầu thoát nước. Trước thực trạng đó, thành phố Huế đang triển khai thực hiện dự án cải thiện môi trường nước, với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ yên Nhật, tương đương khoảng 3.170 tỷ đồng VN; trong đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ hơn 20,88 tỷ yên.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế, Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết: Giai đoạn 1 của dự án bắt đầu triển khai thi công trong vòng 8 năm, kể từ năm 2011, trong phạm vi thi công thuộc 12 phường ở khu vực phía Nam thành phố với diện tích 1.010 ha, phục vụ cho gần 146 ngàn người. Ở giai đoạn này, dự án tập trung cải tạo, xây mới gần 299 km hệ thống cống thoát nước hỗn hợp (thu gom nước mưa và nước thải) và 8 trạm bơm. Ngoài việc chống úng ngập cho thành phố, nước thải từ hệ thống thoát nước hỗn hợp được tách ra tại 96 giếng tách, đưa về nhà máy xử lý nước thải với công suất 20 ngàn m3/ngày đêm trên diện tích 9,5 ha tại phường An Đông và được xử lý bằng công nghệ bùn hoạt tính. Theo tính toán, sau khi nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động, có khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 2 của dự án sẽ được thực hiện tại khu vực phía Bắc thành phố Huế sau khi giai đoạn 1 kết thúc; khi đó, sẽ có 400 ngàn người dân sống trên địa bàn thành phố Huế được hưởng lợi từ dự án này...