Để khai thác tiềm năng du lịch biển đảo, những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép đầu tư cho một số doanh nghiệp khai thác bãi biển Mỹ Khê. Tuy nhiên, do việc đầu tư, xây dựng các công trình trong quần thể Khu du lịch Mỹ Khê với tốc độ “rùa” nên có nơi bị biến thành hồ nuôi tôm, bãi rác thải… khiến vịnh biển dài gần 7km này nham nhở đến thảm hại.
Công ty TNHH Ánh Sao là chủ đầu tư một khu du lịch sinh thái biển nằm trên địa bàn hai xã Tịnh Kỳ và Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Dự án đã được tỉnh Quảng Ngãi cấp phép từ năm 2008 với mục đích xây dựng nhà hàng, khu nghỉ dưỡng và khách sạn 5 sao... trên diện tích khoảng 15ha nhưng nay vẫn chưa triển khai.
Bãi biển Mỹ Khê trở thành bãi rác
Người dân trong vùng quy hoạch rất khó khăn vì thiếu đất sản xuất, không được làm nhà kiên cố. Sau nhiều lần chính quyền địa phương mời công ty đến làm việc, cam kết triển khai đầu tư, nhưng hiện nay dự án này vẫn bỏ đất hoang. Hiện Công ty Lê An (thành viên của Công ty TNHH Ánh Sao) đã biến nơi đây thành bãi chứa hàng chục tấn sắt phế liệu. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp sản xuất trong vùng biến nơi đây thành bãi đổ rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tranh giành đất để đầu tư sản xuất. Hàng chục hộ đã bỏ vốn làm hồ nuôi tôm trên cát, phá nát quần thể Khu du lịch Mỹ Khê.
Tương tự, dự án Khu du lịch Hàng Dương do Công ty TNHH Hà Thành (Hà Nội) làm chủ đầu tư, với đất được cấp gần 14ha, nhưng do không triển khai đầu tư đã bị thu hồi gần 10ha. Đây là dự án lớn được quy hoạch ở trung tâm của Khu du lịch Mỹ Khê, được cho thuê đất sử dụng 70 năm. Hàng trăm hộ dân ở làng chài xã Tịnh Khê đã phải chuyển đến nơi ở mới. Hơn 40 hộ đã dỡ lều quán kinh doanh trên bãi biển và khoảng 400 lao động làm dịch vụ du lịch trên địa bàn phải chuyển đi nơi khác kiếm sống… nhưng đến nay dự án vẫn án binh bất động.
Triệt hạ rừng dương
Trong khi đó, Công ty TNHH Hà Thành có nhiều sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng Khu du lịch Hàng Dương. Nhiều hạng mục công trình xây dựng không đúng thiết kế được duyệt. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện công ty có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ thiết kế. Rừng dương phòng hộ ven biển nằm trong quần thể Khu du lịch Mỹ Khê đã bị chặt hạ trái phép để lại bãi cát trắng trơ trọi không một bóng cây xanh...
Bà Nguyễn Thị Sáu, có nhà trong vùng dự án, nói: “Từ ngày doanh nghiệp lấy đất, chỉ thấy tập trung phá rừng dương ven biển. Hầu hết, các tiểu dự án trong khu du lịch vẫn im lìm. Nhiều diện tích đang bỏ hoang đã biến thành bãi rác thải, gây ô nhiễm môi trường”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Lư Văn Tin cho biết: “Đã gần 30 năm, bà con tham gia trồng và bảo vệ rừng ven biển mới có được rừng dương xanh ngắt như thế. Mùa hè du khách các nơi đổ về tắm biển, thưởng thức các món ăn đặc sản và nghỉ mát rất dễ chịu. Đùng một cái, doanh nghiệp vào đầu tư, cả rừng dương bị chặt hạ, không tiếc sao được. Đất giao cho doanh nghiệp đã mấy năm rồi mà chỉ xây dựng được vài công trình chẳng ra ngô ra khoai gì cả. Ngư dân làng chài thất nghiệp, cuộc sống khó khăn”.
Trong khi đó, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng ngành văn hóa-thể thao và du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Phúc Nhân cho rằng: “Sở dĩ công trình thi công kéo dài là do chủ đầu tư thiếu vốn. Một số tuyến đường, bờ kè Đông sông Kinh nối từ khu du lịch cũ đến Cửa Đại dài khoảng 3,5km đến nay mới bắt đầu thẩm định, mở thầu và chuẩn bị khởi công. Mặc dù ban quản lý đã tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư, nhưng các dự án, công trình cũng không thể triển khai xây dựng đúng kế hoạch...”
Quần thể Khu du lịch Mỹ Khê nằm trên bờ biển thuộc hai xã Tịnh Khê và Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh đã được tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh quy hoạch tổng thể từ 152ha lên 1.000ha. Từ năm 2003 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép cho nhiều doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và kinh doanh dịch vụ du lịch, bao gồm: Công ty CP Du lịch biển Mỹ Khê (thuộc Tổng Công ty CP Tài chính dầu khí Việt Nam), Công ty CP 19-8, Công ty CP Du lịch Quảng Ngãi, Công ty TNHH Hà Thành (Hà Nội), Công ty TNHH Ánh Sao... Thế nhưng, việc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây rất chậm. Nhiều dự án thi công không đồng bộ, không bảo đảm tiến độ.