Theo Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (WWF), trên thế giới hiện chỉ còn khoảng 3.200 cá thể hổ sống sót ngoài tự nhiên, mục tiêu bảo tồn hổ đến năm 2022 sẽ tăng lên 6.400 cá thể.
Sự suy giảm này phần lớn là do săn bắn trái phép, buôn lậu hổ và các bộ phận cơ thể của hổ, ngoài ra còn do mất sinh cảnh sống và quần thể các loài thú mồi của hổ.
Việt Nam là một thị trường nóng về buôn bán hổ trái phép do cao hổ và rượu ngâm từ các bộ phận của hổ.
Các sản phẩm từ hổ đang ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là đối với giới nhà giàu và quan chức, do những công dụng được cho là có thể chữa bệnh mặc dù chưa được y học kiểm chứng một cách chính thức.
Theo Cục cảnh sát môi trường, Bộ Công an, hiện cả nước chỉ còn 95 cá thể hổ đang được nuôi nhốt trong trang trại, vườn thú và rạp xiếc.
Tình trạng săn bắt, buôn bán, vận chuyển hổ ngày càng gia tăng do lợi nhuận cao từ loài động vật này. Chỉ trong vòng từ tháng 3 đến tháng 6/2010, đã có ba cá thể hổ được vận chuyển trái phép từ Lào bị tịch thu ở Việt Nam.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học, Tổng cục Môi trường Việt Nam cho biết: “Đã đến lúc cần có những hành động mạnh mẽ để có thể bảo tồn loài hổ. Bảo tồn loài hổ và sinh cảnh của chúng là bảo tồn sự đa dạng, phong phú của loài và hệ sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.”
Ngày 29/7/2011, Việt Nam kỷ niệm hoạt động thành niên Ngày Quốc tế Hổ với các hoạt động nâng cao nhận thức bảo tồn hổ và kêu gọi ngăn chặn nạn buộn bán hổ trái phép.
Trước đó, kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh về Hổ tại Nga tháng 11/2010, chính phủ 13 nước đã thống nhất sẽ dành 127 triệu USD cho Chương trình Phục hồi Hổ Toàn cầu.
Tại Hội nghị, WWF đã cam kết sử dụng 50 triệu USD trong năm năm tới cho công tác bảo tồn hổ, và đặt mục tiêu nâng con số đó lên 85 triệu USD.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng đồng ý hỗ trợ một số chính phủ các khoản vay lớn, và Quỹ Môi trường Toàn cầu cam kết tài trợ không hoàn lại hàng triệu USD cho chương trình.