Con người đã và đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng lớn như khủng hoảng kinh tế – tài chính, khủng hoảng tôn giáo, sắc tộc, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng sinh thái… nhưng có lẽ, chưa một cuộc khủng hoảng nào lại dai dẳng và có tác động rộng khắp như khủng hoảng khí hậu.
Để hiểu rõ hơn về cuộc khủng hoảng này cùng với hệ lụy của nó là tình trạng di cư cũng như cách thức ứng phó với nó, kính mời quý độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây với bà Margareta Wahlström, một chuyên gia về ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên Hợp quốc (UN).
PV: Xin bà cho biết nguyên do vì sao các chính phủ, nhất là các nước đang phát triển, nên ưu tiên cho việc chuẩn bị ứng phó với thảm họa, trong khi họ vẫn còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết, quá nhiều lĩnh vực cần tiêu tốn tài chính?
Margareta Wahlström: Tôi nghĩ rằng có hai lý do hết sức rõ ràng. Đầu tiên và dễ hiểu nhất là lý do nhân đạo: bất kỳ chính phủ nào cũng nên bảo vệ người dân của họ khỏi lưỡi hái tử thần. Và tôi tin không ai có thể phủ nhận điều này. Thứ hai là vì sự ổn định của xã hội, đây giống như hệ quả của lý do thứ nhất vậy. Mọi công dân đều nhận thấy chính quyền nên quan tâm tới đời sống của họ, kể cả khi họ nghèo khổ và Chính phủ của họ cũng chẳng khá hơn gì.
Tất nhiên, sau đó còn có những nguyên nhân kinh tế nữa. Thảm họa xảy ra luôn gây tổn thất tiền của, ảnh hưởng tới nguồn đầu tư cho kinh tế và phát triển. Nếu năm nào cũng có lũ lụt thì hậu quả chúng ta phải đối mặt sẽ còn tồi tệ hơn – đường giao thông hư hỏng, những cây cầu bị sập, hay bệnh viện bị tàn phá chẳng hạn, tất cả đều dính dáng đến tài chính. Các cân nhắc hiệu quả mà đơn giản về mặt kinh tế là vô cùng cần thiết, có thể coi quản lý lũ lụt là một ví dụ như vậy.
Rõ ràng, cơ sở hạ tầng ở mỗi nước đều khác nhau, song chất lượng cơ sở hạ tầng nên được thống nhất theo bộ tiêu chuẩn quốc gia. Tôi không tin là ai đó có thể khẳng định về mặt quốc tế đây là hướng đi bắt buộc mà đất nước họ phải theo, bởi điều đó còn tùy thuộc vào địa lý, khí hậu và hướng phát triển của từng nước.
PV: Kể từ khi khởi phát nền văn minh nhân loại, mỗi lần môi trường thay đổi lại kéo theo một cuộc di cư mới. Vậy bà cho là cuộc di cư hiện tại do biến đổi khí hậu có gì đặc biệt?
Margareta Wahlström: Trái đất của chúng ta ngày càng đông đúc, chật chội. Không gian sống – nơi có nước, đất nông nghiệp – không còn nhiều nữa. Thêm vào đó, vì ai cũng muốn sống ở các đô thị, thành phố nên mọi thứ càng trở nên ngột ngạt hơn. Thực tế, sống ở đô thị khá là kinh tế: chúng ta sẽ tận dụng được khoảng không gian nhỏ. Tuy nhiên, rất nhiều thành phố lớn trên thế giới chạy dọc theo các bờ biển, nên chúng dễ bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy, bão, giông tố, nhất là các vùng châu thổ và cả sự xâm thực của biển. Đây chính là điểm đặc biệt của tình trạng di cư trong giai đoạn này.
Đa số các thành phố trên thế giới đều đang phát triển với nhịp độ chóng mặt mà không hình dung nổi mình sẽ còn lớn mạnh đến đâu. Vì thế, hầu hết các thành phố này đều không lên kế hoạch củng cố cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tốc độ tăng trưởng và chống chịu tốt với những hiện tượng khí hậu cực đoan.
Nhiều báo cáo đã chỉ rõ rằng việc bảo dưỡng và sửa chữa cơ sở hạ tầng ở đa số các nước đều không mấy tốt. Đó là lý do vì sao đôi khi bạn vẫn thấy có những cây cầu sập ở Hoa Kỳ. Hầu như chẳng nơi nào được công nhận là đầu tư đủ cho vấn đề sửa chữa, bảo dưỡng cả.
PV: Bà có nghĩ điều này xuất phát từ sự thiển cận của các chính phủ không?
Margareta Wahlström: Chính phủ cũng được tạo nên từ những cá nhân. Thử xem bạn và tôi từng đầu tư bao nhiêu vào việc sửa chữa, bảo dưỡng tài sản? Bản thân bạn đã chi bao nhiêu vào việc “chăm sóc” chiếc xe đạp của mình? Về phương diện ấy thì các chính phủ cũng không khác chúng ta đâu, họ ưa dùng những biện pháp nhanh chóng trực tiếp hơn. Họ không nghĩ tới khoảng thời gian xa xôi, 20 năm hay 50 năm, mà chỉ nghĩ tới 5 năm kế tiếp. Và khi xây một cây cầu mới, họ có thể còn phải trao đổi, thỏa hiệp dai dẳng vì nó quá tốn kém.
Các Chính phủ, nhất là các nước đang phát triển, nên ưu tiên cho việc chuẩn bị ứng phó với thảm họa, thiên tai (Ảnh minh họa: Webecoist.com)
PV: Theo quan điểm của bà, sự di cư có ý nghĩa gì đối với những cá nhân, nhất là khi Chính phủ của họ chưa có một sự chuẩn bị thỏa đáng?
Margareta Wahlström: Di cư thường xảy ra đột ngột: đấy là lúc con người mất đi những thứ thuộc về cá nhân họ hoặc gia đình họ; họ phải nhanh chóng di cư và không thể mang theo mọi thứ. Tất nhiên, điều đó thực sự gây ra nhiều sức ép cho họ. Tình trạng bất ổn định bao giờ chẳng căng thẳng. Họ không biết mình có thể trở lại không, có thể gặp lại gia đình không, có thể tiếp tục đi học không. Vì vậy, mấu chốt quan trọng chính là thông tin – từ chính quyền hoặc từ một ai khác – giúp thông báo cho mọi người về diễn biến vụ việc đang xảy ra, họ có thể quay trở lại không, mất bao lâu để ổn định lại chỗ ở. Và chắc chắn, ai ai cũng đều sẽ lo ngại rằng họ có bảo hiểm không, ai có khả năng giúp họ dựng lại nhà cửa…
Tôi nghĩ là di cư không phải là một trải nghiệm tích cực gì, nhưng liệu nó có thể ít gây sức ép hơn không? Có, trong trường hợp Chính phủ và các cơ quan chức năng suy nghĩ về việc làm thế nào để giữ liên lạc của từng người, làm thế nào để sắp xếp nơi họ chuyển đến, cách họ rời đi và dự liệu mọi vấn đề nếu tình trạng di cư sẽ còn kéo dài. Giả sử bạn chọn việc rời đi thì đó chính là quyền lựa chọn của bạn; ngược lại, nếu bạn kiên trì ở lại thì tôi cho điều thực sự quyết định đối với chúng ta là tìm ra những giải pháp dài hạn. Có nhiều người may mắn tìm được nơi tốt, có một công việc, một lối sống, có nhà ở, được đến trường, có thể thích nghi với cuộc sống mới. Song, trên thực tế chúng ta không có quyền lựa chọn, mà việc rời đi thường là bắt buộc.
PV: Vậy thưa bà, nếu Chính phủ không sẵn sàng sắp đủ hành trang ứng phó với mọi thảm họa xảy ra thì cá nhân chúng ta nên làm gì?
Margareta Wahlström: Nếu bạn có bảo hiểm tài sản và bảo hiểm nhân thọ thì cũng là một cách đấy. Tôi nghĩ mỗi người đều có thể nắm bắt được những rủi ro dễ xảy ra tại nơi cư trú của mình: đây là khu vực động đất? Ở gần bờ biển? Bệnh viện gần nhất ở đâu? Bạn có nghĩ tới việc sơ tán không? Làm cách nào thoát ra khỏi nhà khi gặp sự cố, ứng phó ra sao khi xảy ra động đất? Tất cả đều quan trọng cả.
Bạn đã thấy người Nhật rồi đấy – họ đều chuẩn bị sẵn đồ dùng sơ tán, những thứ họ cần nếu phải nhanh chóng tản cư. Đây là cách chuẩn bị tốt khi sống ở những vùng thường xuyên bị động đất. Nên nhớ điều đó!
PV: Với khá nhiều kinh nghiệm về vấn đề giảm nhẹ rủi ro khi xảy ra thảm họa, bà có thể kể ra đây những trường hợp bà cảm thấy đã chuẩn bị thành công hay một bài học rút ra từ những thảm họa không?
Margareta Wahlström: Trận động đất ở Nhật Bản ngày 11/3 chẳng hạn. Nếu Nhật không có công tác chuẩn bị và đưa ra những cảnh báo sớm suốt nhiều năm qua thì số người thiệt mạng sẽ không dừng ở con số như chúng ta biết. Họ thực sự có những bộ luật nghiêm ngặt trong xây dựng nên dù đó là trận động đất rất mạnh nhưng không nhiều tòa nhà bị sập. Riêng ở Tokyo, những tòa nhà chỉ “rùng mình” chấn động chứ không sụp đổ chính vì chúng được xây để chống đỡ trận động đất mạnh nhất. Nếu cũng trận động đất ấy mà xảy ra tại một quốc gia khác, thiệt hại sẽ khó mà tính đếm. Điều mà nước Nhật chưa nắm được là tác động của các nhà máy hạt nhân. Đó là bài học vô cùng đau thương với họ.
Một trường hợp thành công khác phải kể đến là Bangladesh. Vào những năm 1970, tại nơi đây đã xuất hiện một trận bão lốc lớn, làm thiệt mạng tới hơn 200.000 người. Sau trận bão, chính quyền Bangladesh bắt đầu triển khai lắp đặt các hệ thống cảnh báo sớm, không cho phép tai nạn lặp lại lần nữa. Tuy cách đây 40 năm, khi lần đầu tiến hành công tác chuẩn bị, đất nước họ không hề giàu có, sung túc, song Bangladesh đã xây dựng được một hệ thống cảnh báo sớm rất khoa học. Hiện chính quyền Bangladesh đang tích cực hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục người dân nước họ. Ngoài ra, họ cũng đã thiết lập được các điểm có thể sơ tán.
PV: Dường như nếu chỉ ưu tiên chuẩn bị ứng phó khủng hoảng khí hậu ở các nước đang phát triển sẽ không đủ, mà còn phải có sự tham gia của các nước phát triển – cứ nhìn lại cơn bão Katrina hay đợt nóng ở châu Âu năm 2003, chúng ta sẽ thấy rõ. Vậy các quốc gia ấy đã làm gì sau khi thảm họa xảy ra?
Margareta Wahlström: Sau đợt nóng hoành hành ở châu Âu, Pháp – quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất về người – đã phát triển một hệ thống cảnh báo tốt hơn để dự báo đường di chuyển của các đợt nóng, giúp cảnh báo sớm với người dân, đặc biệt là người già, người mang bệnh tật.
Năm 2003, ở một số cơ sở công cộng đặc biệt của Pháp vẫn chưa lắp đặt được hệ thống điều hòa không khí, dẫn tới tình trạng rất nhiều người phải chịu đựng cái nóng, thậm chí còn bị tử vong. Từ tình trạng ấy có thể rút ra hai điều quan trọng cần lưu ý: một là khả năng đưa ra cảnh báo trước và hai là có hành động ứng phó thích hợp.
Một vấn đề nữa là chất lượng của những con đập, có thể nhìn thấy ngay qua trận lũ trên sông Missouri (Hoa Kỳ), nó không chỉ phản ánh chất lượng của cơ sở hạ tầng mà còn nói lên nhiều vấn đề liên quan tới việc đầu tư, khả năng nâng cấp cũng như chức năng của hệ thống đập. Những con đập có mặt từ cách đây 40, 50 năm rồi và các con sông, thậm chí là đại dương, giờ đây cũng có nhiều đổi khác. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã không nắm được hệ thống sông đã đổi thay thế nào và cần nâng cấp cơ sở hạ tầng ra sao. Tôi nghĩ rằng dần dần họ sẽ làm điều đó thôi, nhưng chắc chắn giờ đây họ sẽ phải chú ý nhiều hơn đến nó. Không chỉ những nước nghèo mà ở bất cứ đâu rồi cũng gặp phải những khó khăn tương tự.
PV: Xin cám ơn bà!
Phượng Trần