Chiều 5/8, tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tổ tổ chức buổi báo cáo khoa học về việc phát hiện công trường khai thác đá cổ mà nhà Hồ đã sử dụng khai thác và chế tác đá xây nên tòa thành kỳ vĩ này.
Theo khẳng định của Giáo sư Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam: “Phát hiện mới này được xem là một trong những phát hiện đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ."
Ông cho rằng đây sẽ là căn cứ khoa học đáng tin cậy bổ sung vào hồ sơ khoa học di sản Thành Nhà Hồ báo cáo mở rộng vùng đề cử như cam kết của Việt Nam đối với UNESCO.
"Chính sự phát hiện này đã từng bước tìm ra câu trả lời chính thức cho câu hỏi: 'Đá xây thành được lấy ở đâu?' mà từ nhiều chục năm nay, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã kỳ công tìm hiểu, nhưng vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng,” ông nói.
Công trường khai thác đá cổ nằm trong khu vực núi An Tôn, thôn Phù Lưu, xã Vĩnh Yên. Đây là một núi đá vôi, có đỉnh cao nhất 126,5m. Núi có độ dốc nghiêng thoải dần về phía Tây, diện tích khoảng 25,292ha. Đá được chia thành những vỉa, theo kiểu đoạn tầng từng lớp, từng lớp rất thuận lợi cho việc bóc tách.
Các viên đá phát hiện được phân bố trên một phạm vi rất rộng, chạy dọc chân và sườn phía Đông-Nam của dãy Phù Lưu, bắt đầu từ Kênh Nam (kênh tưới tiêu) đến tận đầu làng Phù Lưu, song song với con đường chống bão lụt của làng, với diện tích khoảng 6ha.
Khu vực phát hiện được nhiều nhất các phiến đá lớn cổ là tại thung lũng có tên gọi dân gian là Thung Chẹt, Đản Hóp hay Thung Án Ngựa.
Cho đến thời điểm này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phát hiện được 21 phiến đá lớn. Căn cứ vào các dấu vết bóc tách và chế tác thủ công hiện còn rất rõ trên các mặt của phiến đá, đồng thời qua việc phân tích đối sánh với các phiến đá tại tường Thành Nhà Hồ, qua hố khao quật thám sát cửa Nam năm 2008 có thể nhận định, các phiến đá được phát hiện tại dãy núi Phù Lưu chính là các phiến đá được nhà Hồ cho khai thác với mục đích xây dựng kinh đô. Tuy nhiên các phiến đá này do những phần lỗi kỹ thuật (vỡ cạnh, vỡ góc) nên các phiến đá này đã bị bỏ lại và không được sử dụng.
Căn cứ vào các dấu vết chế tác và khai thác có thể thấy rằng đá được nhà Hồ cho chế tác phần thô tại chỗ, sau đó sẽ được chuyển về để xây dựng và hoàn thiện kỹ thuật. Đặc biệt, một số viên đá được phát hiện có hình dạng, kích thước rất vuông vắn, có hình dạng và kỹ thuật tương đồng với các phiến đá tại Thành Nhà Hồ. Các viên đá này được chế tác tương đối công phu, có từ ba đến bốn cạnh, bề mặt còn rất rõ dấu vết chế tác.
Với những ý nghĩa đặc biệt quan trọng của phát hiện mới này, tới đây, tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ sẽ phối hợp với nhân dân và chính quyền địa phương bảo vệ nguyên trạng các khối đá cổ nói riêng và toàn bộ khu vực núi Yên Tôn nói chung, trách sự xâm phạm, tác động của con người.
Theo ước tính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, có khoảng 25.000m3 đá được sử dụng để xây dựng tường thành, tổng bề mặt đá hiện còn được đo đạc là 10,1 triệu m2, trọng lượng trung bình mỗi khối đá nặng từ 10-20 tấn, cá biệt ở thành phía Tây có khối đá khổng lồ nặng tới 26,7 tấn./.
Hoa Mai