TP. HCM: Môi trường du lịch chưa đẹp…?

Cập nhật: 18/08/2011
TP.HCM là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài những điểm đến nổi tiếng khác, TP.HCM còn thật sự gần gũi với phố Tây, chợ Bến Thành, bến Bạch Đằng... thu hút rất đông du khách đến mua sắm, thư giãn và tham quan mỗi ngày. Thế nhưng, không ít du khách cảm thấy khó chịu, bởi tình trạng rác thải, nạn lấn chiếm lề đường và cảnh chèo kéo của hàng rong... ở các địa điểm này.

Vỉa hè bị lấn chiếm

Vỉa hè - lòng đường ở phố Tây

“Phố Tây” (tứ giác Bùi Viện – Đề Thám – Phạm Ngũ Lão – Đỗ Quang Đẩu, Q.1) được xem là vương quốc dành cho “Tây ba lô” giữa lòng thành phố. Tuy nhiên, vẫn có những hình ảnh chưa đẹp. Điển hình, các vỉa hè đều bị các cửa hàng, café, quán ăn… tận dụng làm nơi để xe. Nhiều chỗ, xe cộ còn tràn ra cả mặt đường, khiến du khách phải đi giữa lòng đường rất nguy hiểm.

  

Du khách phải đi bộ dưới lòng đường

Theo quan sát, tối 1/8, khi một số du khách ngồi trong quán ăn đang tận hưởng cảnh đêm Sài Gòn thì một em nhỏ len lỏi vào tận bàn ăn nài nỉ mua hàng. Sau lưng em còn có 3, 4 người đứng chèo kéo, vây quanh. “Chúng tôi bị bám theo nhiều quá, đành vào một cửa hàng, chờ khi họ đi rồi mới quay trở ra”, chị Jane Miner, du khách Úc nói.

Không chỉ có chuyện vỉa hè, chèo kéo, rác cũng là một vấn đề của phố Tây. Các công nhân dọn vệ sinh tại phố Tây cho biết, từ 7 giờ tối trở đi, rác bắt đầu xuất hiện nhiều. Tại một vài quán nhậu, giấy vệ sinh, thức ăn thừa… lâu lâu bị hắt xuống bàn, vứt ra phố. Thêm vào đó, rác sinh hoạt của người dân sống xung quanh từ các con hẻm đổ ra hàng giờ. Chú Thanh, một công nhân dọn vệ sinh bức xúc: “Có những chỗ chúng tôi vừa dọn xong, chỉ một lát sau rác lại đầy ngay đó. Hầu như ngày nào cũng thế”.

Sông chung không ai khóc

Bến Bạch Đằng từ lâu là điểm xuất phát của các tour du lịch đường sông tại TP.HCM. Hiện nay, bến sông này không chỉ dành riêng cho tàu du lịch mà còn có công viên, vườn hoa, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng… hoạt động rất náo nhiệt. Buổi chiều, các tàu du lịch trên sông Sài Gòn đón khách ăn uống, thưởng ngoạn. Tuy nhiên, cảnh quan nơi đây không phải lúc nào cũng được đẹp mắt. Chiều 22/7, chỉ một chút quan sát, chúng tôi đã phát hiện cảnh một nhân viên nam trên tàu du lịch Bến Nghé vô tư quẳng một bọc rác xuống sông. Sau đó, chừng 15 phút, tại khoang nấu đồ ăn của tàu, một nhân viên khác cũng tiện tay quẳng các túi ni lông ra sông. Hình ảnh này đặt câu hỏi về chuyện quản lý chất thải của các đơn vị đang kinh doanh du lịch trên sông Sài Gòn?

Cùng với các tác nhân khác, khi thủy triều rút, trên các kè đá, dưới chân cầu là những thùng xốp, bao ni lông, chai, hộp… lẫn với lục bình tạo thành từng đám rác trắng, lởn vởn trông rất phản cảm.

Bác Thịnh, 77 tuổi, thường xuyên có mặt vào các buổi chiều ở Bến Bạch Đằng nói: “Người ta chỉ dọn rác ở trên bờ, chứ có thấy ai dọn dưới sông bao giờ. Thấy cũng nói nhiều việc này mà có ai làm gì để cải thiện tình hình đâu. Bởi, sông là cha chung nên không ai khóc”.

Xô bồ chợ Bến Thành

Cách bến Bạch Đằng không xa, chợ Bến Thành là nơi tập trung đông du khách tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, sự nhộn nhịp lắm khi trở thành bát nháo. Nhiều du khách ngại nhất khi vào chợ là cảnh mời chào, chèo kéo. Ngay trước cổng chính, đội ngũ xe ôm, xích lô đua nhau mời chào ồn ã. Đội ngũ bán hàng rong càng bám riết du khách nước ngoài hơn cả. Các cửa hàng ẩm thực buổi tối cũng tràn ra đường, khiến không ít du khách bối rối.

Về đêm, nước thải từ quán ăn, quầy thực phẩm… tràn ra mặt đường, khiến du khách phải né tránh. Thỉnh thoảng các loại trái cây hư thối lại bị vứt ngay dưới mặt đường; thức ăn thừa, rác xuất hiện ở các quán ăn trong chợ và bên hông chợ… đã làm mất điểm khá nhiều trong mắt du khách.

Cô Céline Moisson, 31 tuổi, du khách người Pháp thổ lộ: “Tôi có đi chợ Bến Thành, thật sự ở đó rất ồn ào. Người và hàng quán đông, cảnh chen lấn, xô đẩy, mời chào làm tôi và gia đình rất mệt mỏi”.

Không cần đao to búa lớn

Nói về tình trạng khách du lịch bị chèo kéo, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt chia sẻ: “Nhiều khi khách đang ăn uống ngon lành cũng bị các đối tượng này quấy rầy, khiến họ không biết phản ứng thế nào cho phải phép. Theo kinh nghiệm từ các nước, những người bán vé số, mắt kính, hàng ăn uống… cũng cần phải được quản lý. Họ chỉ trưng bày hàng hóa giống như những cửa hàng khác, khách có nhu cầu sẽ tìm mua, không để tình trạng lộn xộn như hiện nay”.

Còn ông Phạm Trần Hải, Phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM thừa nhận: “Các điểm du lịch tập trung đông người chắc chắn phát sinh ô nhiễm. Sở chưa có những đánh giá toàn diện nhưng nhìn chung, một số điểm du lịch chấp hành tương đối tốt. Riêng du khách nước ngoài rất có ý thức giữ gìn môi trường, còn nhiều du khách trong nước vẫn có những hành xử chưa thân thiện. Về giải pháp, “Sở đã phối hợp với Sở VHTTDL, các công ty du lịch… để có những hướng dẫn, tuyên truyền các vấn đề ý thức môi trường, xử lý rác thải, nước thải, tiết kiệm năng lượng…”, ông Hải cho biết.

Trong khi những biện pháp của cơ quan quản lý còn khá chung chung và mơ hồ, thì người dân lại có những ý kiến rất cụ thể. Ông Lê Đình Khỏe, 47 tuổi, sống trong khu phố Tây cho biết: “Nếu ở đây có thùng rác thì đã tốt hơn nhiều rồi. Theo tôi thấy, toàn bộ con đường Bùi Viện không có một thùng rác nào. Người dân muốn đổ rác đúng chỗ cũng không biết làm sao. Khu này cũng không hề có một bảng cấm đổ rác nào nên mọi người cứ vô tư”.

Tiểu Tân – Tịnh Nhân

 

Nguồn: Báo Du lịch