Xây dựng danh thắng Tràng An là di sản thế giới

Cập nhật: 22/08/2011
Ngày 21/8 tại tỉnh Ninh Bình, 300 đại biểu quốc tế dự Đại hội Liên hiệp các hội UNESCO thế giới; 30 đại sứ đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng đông đảo các vị khách trong và ngoài nước đã về thăm khu du lịch sinh thái Tràng An, cố đô Hoa Lư và khu văn hóa tâm linh Chùa Bái Đính.

Đây là cơ hội để địa phương giới thiệu, quảng bá và tranh thủ sự ủng hộ của các đại biểu, hội viên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên Thế giới.
Được các nhà khoa học mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn,” là “bảo tàng địa chất ngoài trời,” khu du lịch sinh thái Tràng An có tổng diện tích 2.168ha, bao bọc bởi các dãy núi đá vôi, các hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn.
Trải qua hàng thiên niên kỷ kiến tạo, khu du lịch sinh thái Tràng An mang trong mình quần thể núi non hùng vĩ, nguyên sơ, góp phần tạo nên một hệ động, thực vật phong phú với hàng trăm loài khác nhau.
Trải dài trên diện tích 2.168ha, số hang xuyên thủy đã được khảo sát là 48 hang, xen lẫn 31 thung bao gồm 2 hệ sinh thái chủ yếu là núi đá vôi và đất ngập nước, khu sinh thái Tràng An có 500 loài thực vật, 73 loài chim, 41 loài thú, 32 loài bò sát sinh sống, đặc biệt là sự xuất hiện của loài rùa cổ sọc được coi là động vật quý hiếm, cần được bảo vệ.

Nơi đây còn lưu giữ nhiều di vật của người tiền sử từ 5.000-30.000 năm trước trong các hang Búi, hang Trống. Dấu tích của các triều đại, đền, phủ mang dấu ấn lịch sử cũng được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Hơn 10 thế kỷ trôi qua, tuy kinh thành Hoa Lư xưa không còn nữa, nhưng sự hiện hữu của những di tích gắn liền với ba triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, cầu Đông, cầu Dền; những dấu tích của thành Đông, thành Bắc, thành Dền, thành Nam…, tất cả đã tạo nên một không gian văn hóa Hoa Lư huyền thoại.
Ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khẳng định trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ tập trung bảo tồn, tôn tạo và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn để thu hút khách du lịch, tạo đòn bẩy thuận lợi để kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Tại khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính, một trong những trung tâm Phật giáo (thờ Phật), Đạo giáo (thờ thần Cao Sơn), tín ngưỡng thờ Mẫu (mẫu Liễu Hạnh) của cả nước, các đại biểu đã thực hiện những nghi lễ Phật giáo cầu nguyện cho thế giới hòa bình./. 

 

Nguồn: TTXVN/Vietnam