Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đa dạng sinh học. Đây được coi là một bước đi đáp ứng đòi hỏi khách quan và cấp thiết trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội nước ta hiện nay để góp phần đưa Luật Đa dạng sinh học vào cuộc sống, và cũng nhằm đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn đang đặt ra đối với công tác quản lý bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả điều tra về tình hình thực thi pháp luật đa dạng sinh học tại các địa phương, vườn quốc gia và khu bảo tồn cùng báo cáo của 33/63 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 31/78 vườn quốc gia, khu bảo tồn cho thấy, các nội dung về quản lý loài nguy cấp, quý hiếm, các quy định đặc thù trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý thủy sản, động vật thủy sinh và giống cây trồng, vật nuôi đang được thực thi hiệu quả với các quy định pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, một số hành vi liên quan đến khai thác khoáng sản trong các khu bảo tồn chưa được quy định cụ thể với các khung hình phạt rõ ràng, như khai thác, đào bới khoáng sản trong khu bảo tồn; sử dụng dụng cụ, phương tiện, các loại bẫy bắt động vật hoang dã; phát tán động, thực vật ngoại lai xâm hại; nuôi trồng, lưu giữ, mua bán vận chuyển loài ngoại lai xâm hại; gây ô nhiễm môi trường của khu bảo tồn; khai thác quá mức các loài động, thực vật không phải là loài nguy cấp, quý hiếm; khai thác lâm sản phụ…
Thực tế trong thời gian qua, cũng do chưa có những quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm trong kiểm soát, ngăn ngừa loài ngoại lai xâm hại nên đã xảy ra tình trạng nhiều loài ngoại lai xâm hại đã được nhập khẩu hoặc du nhập bằng các con đường khác nhau vào nước ta gây nên những tổn thất lớn về kinh tế và đa dạng sinh học.
Có thể dẫn chứng điển hình như Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata), cây Mai dương (Mimosa pigra), Bọ cánh cứng hại dừa (Brontispa longissima)… đặc biệt là vụ việc nhập khẩu 40 tấn Rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans) – một loài đã được quốc tế cảnh báo là một trong những loài xâm hại nguy hiểm nhất- tại Vĩnh Long đã gây rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong công tác kiểm soát loài ngoại lai xâm hại nói riêng và công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung.
Theo dự thảo, vi phạm về nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại dự kiến bị áp mức phạt tiền tối thiểu từ 50 triệu đồng đến cao nhất là 500 triệu đồng đi kèm việc buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Dự kiến mức phạt tối đa đến 500 triệu đồng
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đa dạng sinh học quy định cụ thể hình thức và mức xử phạt hành vi vi phạm các quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, tài nguyên di truyền và hệ sinh thái tự nhiên.
Chẳng hạn như, theo dự thảo, vận chuyển trái phép loài thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 500 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.
Do mức độ nguy hiểm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đối với xã hội của sự lây lan vi sinh vật ngoại lai xâm hại nên dự thảo Nghị định quy định mức xử phạt cao từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu ngoại lai xâm hại đã biết thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Tổng cục Môi trường cho biết, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đa dạng sinh học không loại trừ mà song hành cùng các nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng; thủy sản; giống cây trồng và vật nuôi.
Trong đó, dự thảo Nghị định này tập trung vào các mảng nội dung đặc thù của đa dạng sinh học mà các nghị định thành phần chưa quy định hoặc quy định chưa rõ, như các nội dung về bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại; tiếp cận nguồn gen; chia sẻ lợi ích; quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của chúng.