Bình Dương là địa phương có tiềm năng du lịch (DL) tương đối đa dạng với hệ thống miệt vườn Lái Thiêu đã có thương hiệu từ nhiều năm qua; có hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn với những cù lao nổi trên sông...
Bên cạnh đó là những làng nghề đã nổi tiếng ở vùng Đông Nam bộ và trong cả nước, những di tích lịch sử văn hóa độc đáo. Mặc dù chưa nổi trội so với một số địa phương khác trong khu vực, song tỉnh cũng có những điều kiện khá thuận lợi để hình thành các loại hình sản phẩm DL, dịch vụ hướng đến khai thác thị trường DL đầy hứa hẹn, nhất là lĩnh vực DL sinh thái và sông nước.
Thực trạng hoạt động du lịch sinh thái và sông nước
Trong những năm qua, mặc dù đóng góp của ngành DL trong nền kinh tế còn thấp, tuy nhiên DL ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong định hướng phát triển, DL được xác định “Xây dựng ngành DL trở thành ngành kinh tế có đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2020 và giai đoạn sau đó, ngành DL sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững, cân đối của nền kinh tế Bình Dương”.
Hiện nay, hệ thống các cơ sở kinh doanh DL của Bình Dương bao gồm các loại hình chính: Các đơn vị kinh doanh lữ hành (các đơn vị này chủ yếu có quy mô hoạt động vừa và nhỏ, doanh thu thấp, hoạt động kinh doanh chủ yếu là các tour DL phục vụ dân cư nội tỉnh... do đó hiệu quả kinh doanh lữ hành chưa cao); Các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú (khá phát triển với 122 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, chủ yếu ở khu vực TX.TDM, Thuận An và Dĩ An); Các đơn vị kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí (có phát triển nhưng quy mô hoạt động nhỏ, chủ yếu tập trung ở các khu vực đô thị hóa mạnh như TX.TDM, Thuận An, Dĩ An; hiện nay tỉnh chỉ có một cơ sở kinh doanh dịch vụ với quy mô lớn là Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến); Các cơ sở kinh doanh DL nghỉ dưỡng (chủ yếu dưới hình thức đầu tư các khu nghỉ dưỡng có mô hình nhỏ, trong đó có một số khu đã thu hút khá đông khách như Khu nghỉ dưỡng Phương Nam, Làng DL Sài Gòn, Khu DL Xanh Dìn Ký, Khu nghỉ dưỡng Mắt Xanh. Một số khu DL khác đang trong quá trình đầu tư như Khu DL Hàn Tam Đẳng, Khu DL nghỉ dưỡng Phước Lộc Thọ...).
Đối với các sản phẩm DL: Hiện nay, DL vui chơi giải trí ở Bình Dương tập trung vào các khu công viên vui chơi giải trí theo mô hình công viên chuyên đề (Theme Park) trong đó KDL Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến được đánh giá là một khu công viên chuyên đề lớn nhất Việt Nam. Riêng DL sinh thái của tỉnh hiện nay chủ yếu được tổ chức theo các hình thức chính là: DL sinh thái miệt vườn (được phát triển từ thương hiệu miệt vườn trái cây Lái Thiêu nổi tiếng); DL sinh thái kết hợp dịch vụ (phát triển chủ yếu theo mô hình các điểm DL nhỏ, chủ yếu khai thác khách DL cuối tuần với các dịch vụ chính: bơi lội, ẩm thực, các trò vui chơi giải trí cho trẻ em); DL sinh thái gắn với tiềm năng DL sinh thái rừng núi (phát triển một cách tự phát ở các khu vực có cảnh quan đẹp như hồ Than Thở, hồ Dầu Tiếng, núi Cậu...); DL thể thao cao cấp (phát triển dưới hình thức các sân golf, hiện tỉnh có 1 sân golf đang hoạt động là sân golf Sông Bé và 2 dự án sân golf khác đang trong giai đoạn xây dựng là sân golf Phú Mỹ và sân golf Mekong (Cù lao Bạch Đằng); DL nghỉ dưỡng (phát triển với mô hình nhỏ như KDL nghỉ dưỡng Phương Nam, Dìn Ký, Mắt Xanh).
Nhìn chung, tuy tỉnh bước đầu có khai thác tiềm năng DL để hình thành các sản phẩm DL tương đối đa dạng, tuy nhiên ở một số khu vực có tiềm năng lớn như: sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé, hồ Dầu Tiếng chưa thu hút được các dự án đầu tư; do đó chưa khai thác hết hiệu quả tài nguyên. Tỉnh thiếu các sản phẩm DL mang đẳng cấp quốc tế có thể tạo thành động lực nâng tầm cho DL Bình Dương. Mô hình tổ chức kinh doanh DL phổ biến ở tỉnh là các khu DL dịch vụ với quy mô nhỏ, phục vụ khách DL cuối tuần với sản phẩm chủ yếu là dịch vụ ăn uống, bơi lội, vui chơi giải trí. Sản phẩm DL sinh thái miệt vườn, từng được xem là đặc thù của tỉnh tổ chức còn nhỏ, lẻ, tự phát, hiệu quả không cao; đồng thời có nguy cơ tự đánh mất thương hiệu do cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa thấp, còn nói thách, thiếu văn minh trong thương mại... Hệ thống các dịch vụ bổ trợ như bãi đỗ xe ô tô, người thuyết minh DL thiếu. Kết cấu hạ tầng còn yếu kém chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tình trạng phát triển nêu trên đã ảnh hưởng không ít đến thương hiệu không chỉ của khu vực Lái Thiêu mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu DL Bình Dương.
Bên cạnh đó, khu vực núi Cậu- hồ Dầu Tiếng là khu vực có tiềm năng lớn về DL nghỉ dưỡng tuy đã được đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung, nhưng hiện tại vẫn phát triển DL một cách tự phát, nhỏ, lẻ, chưa thu hút các dự án đầu tư lớn. Chưa khai thác được hiệu quả tiềm năng phát triển DL của các loại hình DL tham quan di tích lịch sử văn hóa và di tích lịch sử cách mạng như các căn cứ cách mạng, sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh...
Cần đầu tư khai thác tiềm năng du lịch sinh thái và sông nước
Để khai thác tiềm năng DL nhờ vào vị trí địa lý và sự ưu đãi của thiên nhiên, tỉnh cũng đã có kế hoạch phát triển các sản phẩm DL đặc thù, trong đó đặc biệt là các sản phẩm DL sinh thái và sông nước. Theo đó, với thương hiệu “miệt vườn Lái Thiêu” nổi tiếng từ lâu, Bình Dương có điều kiện thuận lợi khai thác để hình thành những sản phẩm đặc thù hấp dẫn khách DL. Các sản phẩm dịch vụ chính bao gồm: thưởng thức trái cây, câu cá, tham quan vườn cây, đi thuyền trên kênh rạch, xem nghệ thuật chế biến và trang trí bằng trái cây, thăm trang trại cá bè, cá lồng trên sông. Để phát triển loại hình sản phẩm DL này đòi hỏi phải bảo tồn phát huy, nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu “Lái Thiêu”; dự kiến khu vực ưu tiên phát triển là khu vực ven sông Sài Gòn, ven sông Đồng Nai.
DL sông nước theo các tuyến sông: với hệ thống 3 sông lớn đặc biệt là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, Bình Dương có điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng sông nước hình thành các sản phẩm DL hấp dẫn du khách bao gồm: các tour DL khám phá văn hóa và đời sống dân cư trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, các khu DL sinh thái ven sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, du thuyền trên sông nước. Dự kiến, khu vực ưu tiên phát triển là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé. DL mạo hiểm sông nước: sông Bé là con sông có độ dốc lớn, địa hình hiểm trở với nhiều thác nước, ghềnh đá... có khả năng tổ chức các loại hình DL mạo hiểm như: tour đi thuyền thám hiểm ghềnh đá, đua thuyền vượt thác... Dự kiến, khu vực ưu tiên phát triển là sông Bé. DL nghỉ dưỡng: được phát triển ở khu vực hồ Dầu Tiếng và khu vực ven sông Bé để khai thác tiềm năng về khí hậu, cảnh quan theo mô hình các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các khách sạn nghỉ dưỡng ven sông, trung tâm điều trị và điều dưỡng cao cấp, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.