Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285 ha; thuộc địa bàn 9 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn.
Đây là hành lang xanh kết nối 3 vùng lõi gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Trong đó, Vườn quốc gia Pù Mát là trung tâm đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động, thực vật với đầy đủ đại diện của 4/5 lớp quần hệ (rừng thưa, rừng kín, cây bụi và cây thảo).
Trong số gần 2.500 loài thực vật bậc cao có mặt tại khu vực này, thì có gần 2.000 loài thuộc nhóm chồi trên mặt đất chiếm tỷ lệ 74%, là yếu tố chủ đạo cấu thành nên hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam. Hệ động vật hiện có 130 loài thú lớn, nhỏ, 295 loài chim, 54 loài lưỡng cư và bò sát, 84 loài cá, 39 loài dơi, 305 loài bướm ngày, 14 loài rùa, hàng ngàn loài côn trùng khác.
Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm: núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Đây là khu vực duy nhất của miền Bắc còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt Lào.
Đây cũng là nơi có tính đa dạng về văn hóa dân tộc lớn nhất trong số các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam với 9 dân tộc cùng sinh sống và lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm, điệu múa xòe, cồng chiêng của người Thái; đàn môi, khèn của người Mông; nghề trồng lúa nước của người Tày Poọng; tục ngủ ngồi của người Đan Lai; điệu nhảy nhà (múa mừng nhà mới), đàn tăng bu và hát tơm của người Khơ Mú... Đặc biệt, khu vực này còn là nơi sinh sống của 2 dân tộc chỉ có duy nhất ở Nghệ An và đang trong tình trạng bị suy thoái, mai một nghiêm trọng về bản sắc văn hóa đó là dân tộc Đan Lai (còn khoảng 3.000 nhân khẩu ở huyện Con Cuông) và dân tộc Ơ Đu (còn khoảng 570 nhân khẩu ở huyện Tương Dương).
Chính nhờ những giá trị về thiên nhiên và văn hóa được lưu giữ tại đây, khu vực miền núi miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007. Ngày 29/4/2011, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ công bố và đón nhận bằng chứng nhận khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An do UNESCO trao tặng.Là một trong 8 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam rất có giá trị trong việc bảo tồn môi trường sống cho sự phát triển hiện tại cũng như trong tương lai, Khu dự trữ sinh quyển không những có đóng góp cho tỉnh Nghệ An, cho Việt Nam mà là cho toàn cầu trong giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay.
Mỹ Hạnh - TITC