Nam Định: Tăng cường quản lý công tác tổ chức lễ hội Trần 2011

Cập nhật: 12/09/2011
Lễ hội Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) là lễ hội vùng, diễn ra từ 10 đến 20 tháng 8 âm lịch, để tưởng nhớ công lao các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Về dự lễ hội Trần, nhân dân trong tỉnh và đông đảo khách thập phương không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu lộc, cầu may, cầu phúc, mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của quần thể Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Trần.

Đó là những công trình kiến trúc, di vật, hệ thống chân tảng đá, đồ gạch ngói, gốm sứ hay nền móng của cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa xưa về một thời oanh liệt “Võ công, văn trị” của vương triều Trần trong lịch sử dân tộc. Lễ hội Trần hằng năm được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm; khẳng định giá trị lịch sử, giá trị nhân văn của nhà Trần nói chung và công lao của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đối với lịch sử dân tộc nói riêng. Phần hội tổ chức phong phú, lành mạnh, với các trò chơi dân gian (chọi gà, múa rồng, múa lân, cờ tướng) góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, những năm qua công tác quản lý và tổ chức lễ hội Trần vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Hiện nay, việc phân cấp quản lý giữa ngành và cấp trong việc tổ chức lễ hội vẫn còn có sự “chồng chéo”, ảnh hưởng tới công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và lễ hội. Lễ hội còn nặng về phần lễ, chưa khai thác và phát huy các trò chơi dân gian độc đáo của địa phương. Mặt khác, nạn hành khất theo khách xin tiền làm mất mỹ quan, gây sự phản cảm cho du khách vẫn phổ biến ở khu vực tổ chức lễ hội. Lực lượng “đổi tiền lẻ” tập trung đông tại các cửa Đền Trần - Chùa Tháp chèo kéo du khách làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm, linh thiêng nơi đây. Các hàng quán dịch vụ, bày bán trước khuôn viên di tích gây mất cảnh quan lễ hội. Vẫn xuất hiện một số đối tượng trộm cắp lợi dụng đông người móc ví, điện thoại di động của khách. Bên cạnh đó, việc thắp hương, đốt vàng mã còn nhiều gây lãng phí tiền bạc và ảnh hưởng đến môi trường...

Để chuẩn bị cho lễ hội Trần 2011, Ban tổ chức đã phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, huy động các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ tại các điểm chốt. Tiếp tục đổi mới trong việc phân luồng giao thông, trông coi phương tiện, tổ chức dịch vụ, y tế, phòng cháy chữa cháy. Năm nay, hai bãi xe (chứa khoảng 3.000 ô tô) thuộc Dự án xây dựng công viên Văn hoá Trần được đưa vào sử dụng, góp phần giảm bớt tình trạng ách tắc giao thông. UBND phường Lộc Vượng và các đoàn thể được giao việc trông giữ phương tiện phải thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn, đúng giá Nhà nước quy định. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND phường Lộc Vượng, khu nội tự các Đền Thiên Trường, Cố Trạch hiện đã xuống cấp, nhưng chưa được nâng cấp, tôn tạo, đảm bảo an toàn cho di tích, thuận tiện cho du khách và công tác quản lý; đề nghị các cấp, các ngành sớm hoàn thành dự án mở rộng khuôn viên Đền Trần, nâng cấp, tôn tạo di tích, nhất là các dịch vụ và cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tham quan, sinh hoạt tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân. Mặt khác, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kết hợp hài hoà các biện pháp xây và chống trong việc thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội; phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi mê tín, dị đoan, thương mại hoá di tích, nạn cờ bạc, hành khất… Cần có sự phân cấp trách nhiệm và chức năng rõ ràng, cụ thể giữa chính quyền sở tại và ngành văn hóa theo đúng quy định của Luật Di sản văn hoá. Số kinh phí do nhân dân tiến cúng hàng năm cần được đầu tư có hiệu quả công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Tăng cường công tác tuyên truyền văn bản pháp luật có liên quan, về giá trị của di tích, lễ hội, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân để người dân có ý thức trách nhiệm cùng chính quyền tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Các cấp, các ngành chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp cho việc quản lý và tổ chức lễ hội, nhất là các dịch vụ và cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tham quan, sinh hoạt tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân./.

 

Nguồn: Báo Nam Định