Bảo vệ khách du lịch, di tích mùa bão lũ

Cập nhật: 29/09/2011
Thừa Thiên- Huế là một trong những tỉnh, thành có nhiều di tích đặc biệt quan trọng cần được bảo vệ khi mùa mưa bão đến. Chính vì thế, ngay từ đầu mùa mưa, các đơn vị quản lý di tích cũng như ngành du lịch đã lên kế hoạch cho công tác bảo vệ di tích và đảm bảo an toàn cho du khách.

 

Giằng chống bảo vệ di tích Nghinh Lương Đình khi bão số 4 đến (26/9)

Hạn chế thiệt hại tối đa

Quần thể di tích Cố đô Huế là di tích đặc biệt và luôn được chú trọng bảo vệ khi mùa mưa bão đến. Trước khi cơn bão số 4 đổ bộ vào đất liền vài ngày, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế đã khẩn trương triển khai công tác giằng chống, che đậy ở các khu vực di tích như: lăng vua Tự Đức, lăng vua Đồng Khánh, lăng vua Minh Mạng, vua Gia Long…

Riêng các điểm di tích có nhiều du khách tham quan thì đến trước khi bão vào 1 ngày, lực lượng của Trung tâm mới tiến hành giằng chống, bảo vệ như: Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, Ngọ Môn.

Ông Mai Xuân Minh, Phó giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho biết, vấn đề bảo vệ di tích mùa mưa bão đã được lãnh đạo Trung tâm lên kế hoạch từ sớm. Không chỉ quan tâm đến di tích mà còn có việc cắt tỉa cây xanh trước khi bão vào; công tác đón du khách trước và sau khi có bão hay trong lúc thời tiết xấu. “Chúng tôi luôn đặt việc an toàn cho du khách và bảo vệ di tích lên hàng đầu” - ông Minh nói.

Hiện nay, có nhiều di tích quan trọng đang được trùng tu như Thái Bình Lâu, Trường Lang (ở khu vực Đại Nội), lăng vua Minh Mạng, lăng vua Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh nên công tác phòng chống bão lũ được triển khai chặt chẽ.

Tại tất cả các điểm thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế có đến 400 người của TTBTDTCĐ Huế túc trực 24/24h khi bão lũ, đó là chưa nói đến lực lượng của các đơn vị thi công như: Công ty Tu bổ Di tích Trung ương, Công ty CP Tu bổ Di tích Huế, và Phân viện Khoa học Xây dựng Công nghệ miền Trung…

Ông Minh cũng thừa nhận rằng hiện ở một số di tích vẫn xảy ra tình trạng bị dột ướt, thấm nước khi mưa to. “Đây là những điểm di tích được xây dựng đã lâu, mái gỗ nên không thể tránh được như khu vực An Lăng, Ngọ Môn.

Chúng tôi đã có công tác giằng chống tạm thời để tránh gãy đổ. Muốn khắc phục những điểm này thì cũng phải chờ trùng tu và việc giằng chống tránh gãy đổ sẽ không làm mất đi kết cấu nguyên gốc của di tích!”, ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh hiện có một số di tích cần phải luôn luôn được giằng chống, bảo vệ khi mùa mưa đến như: Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, Ngọ Môn. Các địa điểm này đến hết mùa mưa bão mới được tháo gỡ hệ thống bảo vệ, tránh gây mất thẩm mỹ cho khách tham quan.

Các doanh nghiệp vận tải đưa thuyền du lịch đến trú ẩn an toàn ở công viên bờ Bắc sông Hương

An toàn tuyệt đối cho du khách

Mùa mưa bão là mùa cao điểm về khách quốc tế tại Huế, nên công tác bảo vệ cho du khách được lãnh đạo ngành du lịch cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch quan tâm.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: “Việc phòng chống lụt bão của ngành VHTTDL quán triệt tư tưởng từ “đối phó- khắc phục hậu quả” chuyển sang “chủ động phòng tránh- đối phó kịp thời- khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

Việc đối phó bão lũ cũng không chỉ giới hạn trong các phòng ban chức năng mà phải được triển khai từ từng cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động du lịch. “Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch ở trên địa bàn có biện pháp đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho du khách như: cung cấp lương thực, thuốc men, hướng dẫn khách di dời, sơ tán đến nơi an toàn. Tuyệt đối không đưa khách đến các nơi, tuyến tham quan bị ảnh hưởng của bão, lũ…”, ông Dũng nói.

Anh Ngô Văn Bích, Thuyền trưởng thuyền TTH-0595DL, một trong những thành viên của Hợp tác xã Vận tải Đường sông cho biết, từ khi nghe dự báo sẽ có bão số 4 ảnh hưởng đến Thừa Thiên- Huế là anh và nhiều chủ thuyền du lịch khác đã chủ động chạy thuyền đến nơi trú ẩn an toàn.

Anh Bích kể rằng mặc dù kinh doanh bị ảnh hưởng nhưng anh vẫn phải gọi điện để hoãn lại tour khách đặt trước để đi trú bão. Trong tình hình thời tiết xấu, mưa gió lớn hay bão lũ, nếu có khách đến yêu cầu đi tour thì anh cũng từ chối. “Làm du lịch cần đặt an toàn của du khách và an toàn của bản thân lên hàng đầu. Không vận chuyển lúc này thì làm lúc khác!”, anh Bích nói.

Trong những ngày thời tiết xấu do bão số 4, hai vợ chồng anh Đức đã đưa thuyền vào phía công viên bờ Bắc sông Hương để trú ẩn. Hiện nay trên sông Hương có 128 thuyền du lịch của 13 doanh nghiệp tham gia vận chuyển khách. Do đó việc tự ý thức về trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vận chuyển là điều đáng quan tâm. 

Sơn Thùy

 

Nguồn: Báo Văn hóa