Ai đến làng Lương Nông (xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) cũng ngạc nhiên khi thấy một cánh rừng rậm rạp bên đồng ruộng và những khu dân cư trên nền cát dọc dài theo bờ biển. Bài học từ cha ông truyền lại đã giúp cư dân Lương Nông giữ được một di sản không dễ có giữa thời biến đổi khí hậu.
Từ thị trấn Thi Phổ trên quốc lộ 1A đi thêm chừng 2km về hướng nam rồi rẽ xuống hướng đông theo đường liên xã Đức Thạnh - Đức Minh chừng 3km là chạm mắt rừng Nà. Cánh đồng lúa xanh tươi được cung rừng dài hàng cây số đứng che bóng, tạo nên một cảnh quan duyên hải hiếm có. Những người chăm lúa, chăn bò bên đồng ruộng chốc chốc lại hướng mắt vào rừng như để nhận ở đó phần nào sự yên lành, mát mẻ.
Rừng đất thấp, ẩm ướt
“Cái lạ của rừng Nà này là nằm ở chỗ thấp, bằng phẳng, chỉ cao hơn mặt ruộng chừng một mét. “Nà” là tiếng người ở đây gọi những chỗ đất thấp, ẩm ướt. Bởi vậy nên giữa mùa nắng mà rừng Nà vẫn ẩm ướt, cây cối xanh tươi, có đem lửa đốt cũng không cháy được...” - ông Phan Văn Tiến, cư dân làng Lương Nông, nói khi chỉ vào những ao nước. Vị lão làng 73 tuổi cho rằng rừng Nà có từ rất lâu đời, được cha ông truyền lại như một nguồn của quý, có lợi ích rất lớn với cư dân sống bên rừng.
Cách bờ biển Đức Minh chừng 2km về hướng tây, khu rừng nguyên sinh này là loại hình rừng trên cát ẩm với các chủng loại cây cối khá đa dạng. “Các loại rừng ven biển thường có các loài cây dại thấp chồi, mọc từng lùm. Nhưng ở rừng Nà lại là các loài cây cao chồi, thân to, có loài là gỗ quý, dùng làm nhà, đóng đồ nội thất đều tốt” - phó chủ tịch UBND xã Đức Thạnh, ông Trần Quang Thanh, vừa nói vừa choàng tay ôm một cây trâm to có thể dùng làm cột nhà được. Bên cạnh các loài cây gỗ quý, rừng Nà còn nhiều cây gỗ tạp, phần lớn là cây cao chồi, đặc biệt có nhiều loài dây leo, tầm gởi đeo bám vào cây, gia tăng thêm độ che phủ của tán rừng.
“Dân mình thời trước cậy vô rừng Nà kiếm cành khô nhánh mục làm củi chụm. Rừng hồi đó rộng hơn giờ, dân lại thưa hơn, san sẻ nhau nhà nào cũng có được ít củi dùng trong mùa mưa tháng gió...” - ông Tiến nói.
Rừng Nà cũng là “bãi cá” của người Lương Nông. Lớp bùn tạo từ mùn lá hàng trăm năm là môi sinh của các loài lươn, lạch, cua, cá sống trong bùn. Những ao, lạch nước trong rừng cũng là nơi sinh trưởng của nhiều loài cá nước ngọt, rùa, ba ba. “Mùa mưa cá ngoài đồng, ngoài sông vô ở trong ao, lạch của rừng Nà nhiều có lẽ do mùa đông trong rừng ấm hơn. Còn mùa nắng như bây giờ vẫn có người vô rừng đào lươn, lạch. Nền đất ẩm này chỉ đào xuống chừng vài ba tấc là có nước. Lươn, lạch làm khô ăn ngon lắm...” - ông Thanh giải thích.
Vào sâu trong rừng Nà có cảm giác như đang ở phòng lạnh. Giữa thẳm sâu tịch mịch, dưới tán rừng ken kín, mênh mông, tiếng hót của nhiều loài chim như chào mào, cu gáy, chích chòe, bìm bịp vọng đến. “Ở đây còn nhiều loài chim có quanh năm như két, cò, diệc, chúc huê. Còn mấy loài như vịt nước, cúm núm thì mùa đông mới bay về ở. Rừng Nà có nhiều chim, đêm ngày đều có tiếng chim kêu làm làng xóm thêm vui” - ông Huỳnh Văn Hùng, cán bộ tư pháp xã Đức Thạnh, nhà ở sát bên rừng Nà, kể.
Hương ước bảo vệ rừng
Rừng Nà trông thẳm xanh, tươi đẹp không phải không trải những thăng trầm. Ông Thanh cho hay khu rừng từng được ông cha gọi là “cấm” này có khoảng 7ha bị mất sau ngày hòa bình. Phần rừng bị mất chủ yếu là vùng rìa, bị một số dân làng lấn chiếm lấy đất làm nhà ở, làm đất sản xuất thời kinh tế khó khăn. Nhưng xót xa nhất trước “chuyện đã rồi”, theo ông Thanh, ấy là khi xã ra nghị quyết khai thác cây gỗ rừng Nà để có kinh phí làm chợ Thi Phổ hồi năm 1980. Trước đó xã cũng đã cho lấy gỗ ở rừng cấm này dùng làm trường học, đóng bàn ghế học sinh. “Nếu không bị khai thác, nay rừng Nà còn rậm rạp hơn nhiều lần. Cũng may là nhờ đất rừng này ẩm ướt nên số cây bị chặt hồi ấy đã tái sinh từ lâu, có cây nay có thể tái khai thác được...” - ông Thanh nói tiếp.
Tạm gác nỗi buồn rừng Nà vào thời rừng ở đâu cũng được mở tung cửa cho khai thác, điều đáng mừng là khu rừng nguyên sinh độc đáo này cơ bản được cư dân xưa nay hết lòng bảo quản. “Cũng là nhờ dân mình có quy định giữ rừng nghiêm ngặt từ thời cha ông. Đến thời tui lớn lên, tuy bản hương ước ghi chuyện giữ rừng Nà không còn thấy, nhưng ai ở đây cũng một bề tuân theo lệ xưa, không dám xâm phạm rừng Nà. Bởi vậy nên đến khi chiến tranh nổ ra rừng Nà còn rậm như rừng Trường Sơn, làm chỗ cho dân làng, cán bộ, bộ đội nương náu, ẩn nấp mãi cho đến ngày hòa bình...” - ông Tiến nhớ lại.
Để ngăn cấm triệt để việc xâm phạm đất Rừng Nà, ông Thanh cho hay năm 1995 xã đã giao cho hội cựu chiến binh xã trồng cọc ranh giới bằng trụ ximăng và đắp bờ bao nơi rừng Nà tiếp giáp khu dân cư, cho trồng các loại cây keo, bạch đàn vào diện tích đất mà một số cư dân đã xâm lấn.
“Chính quyền xã cũng giao cho các thôn có rừng Nà phải đưa việc bảo vệ rừng Nà vào hương ước thôn văn hóa của mình, ai vi phạm sẽ bị xử phạt thích đáng. Nhưng nói là vậy chứ từ đó đến nay xã vẫn chưa xử lý ai. Cái chính là nhờ ý thức bảo vệ rừng Nà của bà con có tính tự giác, tính truyền thống cao” - ông Thanh cho biết.