Phố đi bộ, phải đồng bộ 

Cập nhật: 17/10/2011
Vào các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, các tuyến phố Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào và xung quanh hồ Hoàn Kiếm đến phố Tràng Tiền sẽ trở thành các tuyến phố đi bộ. Đây là nội dung đề án tuyến phố đi bộ do Sở Giao thông vận tải triển khai xây dựng, dự kiến trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt vào cuối tháng 10-2011. Xung quanh đề án này, Báo Hànộimới nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.

Phố đi bộ sẽ mang đến một không gian du lịch, vui chơi, giải trí, mua sắm thoải mái cho người dân và du khách. Ảnh: Khánh Nguyên

Ông Phan Việt Phú (phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm): Nên có thời gian biểu hoạt động cho tuyến phố đi bộ

Tôi hoàn toàn ủng hộ đề án tuyến phố đi bộ triển khai xung quanh hồ Gươm cũng như trên các tuyến phố: Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân, Tràng Tiền. Song, do đặc thù của phố cổ là có người dân sinh sống, nên việc thực hiện các đường phố không có tiếng động cơ ô tô, xe máy cần phải có "thời gian biểu" để học sinh đi học, người lao động đi làm, giao hàng, người dân trở về nhà... Chẳng hạn, thời gian đi bộ hằng ngày vào buổi sáng có thể bắt đầu từ 8h đến 11h, buổi chiều từ 13h đến 18h và buổi tối bắt đầu từ 19h30 đến 22h. Cùng với việc thực hiện tuyến phố đi bộ, thành phố cũng nên lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngoài trời, hội chợ làng nghề thủ công… định kỳ vào một buổi tối cuối tuần nào đó trong tháng để thu hút người dân và du khách.

Ông Đỗ Văn Tiến (phường Quán Thánh, quận Ba Đình): Cần tính phương án hợp lý cho giao thông

Ở nước ta, đã có không ít các tỉnh, thành phố thực hiện thành công tuyến phố chỉ dành cho người đi bộ và xe thô sơ. Đơn cử như phố cổ Hội An, thời gian đầu (năm 2004) chỉ thí điểm vào cuối tuần, sau tăng lên thành 5 ngày/tuần bắt đầu từ năm 2009. Ban đầu, rất ít người dân sinh sống trong khu vực phố cổ đồng thuận, sau đó thấy chủ trương này mang lại hiệu quả cao: Khách du lịch đến đông hơn, cửa hàng, cửa hiệu bán được nhiều hàng hóa hơn…, mọi người đều vui vẻ ủng hộ. Tuy nhiên, ở Hà Nội, do các tuyến phố xung quanh hồ Gươm, Tràng Tiền, Hàng Ngang, Hàng Đào còn là tuyến phố liên thông đi sang phố Quán Thánh, Hàng Than hay về Bà Triệu, Tràng Thi… Chính vì vậy, khi triển khai, các ngành chức năng cần nghiên cứu, phân làn các tuyến đường lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông khi đi qua khu vực này; đồng thời cho phép các phương tiện: xe điện, xích lô du lịch hoạt động. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng phải bố trí bãi đỗ xe máy, ô tô cho người dân và các tuyến xe buýt, điểm đỗ taxi quanh khu vực phố đi bộ cũng phải được tổ chức hợp lý, thuận lợi cho người dân đi lại.

Bà Nguyễn Hồng Ngọc (Ngân hàng Hàng Hải): Phố đi bộ luôn thu hút khách du lịch

Có dịp đi thăm một số nước trên thế giới, tôi thấy hầu hết các thành phố lớn đều tổ chức phố đi bộ và hầu như phố đi bộ nào cũng luôn thu hút rất đông người dân, khách du lịch. Tại Thành Đô (Trung Quốc), bên cạnh các tuyến đường sầm uất, thì phố đi bộ Cẩm Lý nằm cạnh Vũ Hầu Tự lại trở thành một điểm đến hấp dẫn. Tuyến phố này không dài, nhưng với không gian mang đậm kiến trúc Trung Quốc cổ, với những dãy nhà gỗ, đường đi lát đá hoa, men theo dòng suối nhỏ róc rách; hai bên phố là các dãy hàng quán bán đồ lưu niệm, phong phú, đậm nét dân tộc như: rối bóng, tranh cắt giấy, mặt nạ kinh kịch… Ngoài ra còn có các quán cà phê, quán bar…, đem đến một không gian thư giãn nhẹ nhàng cho du khách. Tôi hy vọng rằng, các tuyến phố đi bộ của Việt Nam triển khai trong thời gian tới cũng luôn tấp nập người và các sản phẩm mang tính đặc sắc của các vùng, miền, địa phương sẽ được du khách hào hứng đón nhận.

Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Khoa học xã hội Việt Nam): Tạo cảnh quan đẹp cho phố đi bộ

Tôi rất hoan nghênh chủ trương của thành phố Hà Nội về việc triển khai thí điểm tuyến phố đi bộ quanh khu vực hồ Gươm, sau đó nhân rộng ra toàn khu phố cổ. Thời gian qua, thành phố Hà Nội cũng đã quan tâm đến việc bảo tồn khu phố cổ, nhằm nâng cao đời sống người dân, đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, nhưng vẫn chưa thành công. Tôi cho rằng, tạo ra một tuyến phố đi bộ đồng nghĩa với việc tạo ra một cảnh quan khác bằng việc tổ chức một cuộc sống mới ở khu phố đó cùng loại hình giao thông đi bộ là chính. Chúng ta cần tạo nét riêng biệt, gây sự thu hút cho du khách bằng nhiều cách: lắp đặt hệ thống chiếu sáng ban đêm, tạo những khoảng xanh trong con phố, treo các bảng hiệu để tạo sự thống nhất, hình thành những trục phố chuyên biệt về mua sắm, ẩm thực… Từ đó sẽ mang đến một không gian du lịch, vui chơi, giải trí, mua sắm thoải mái cho người dân và du khách.

Dạ Khánh lược ghi

HNM

Nguồn: HNM