Tái cơ cấu làng nghề - giải pháp căn cơ giải quyết ô nhiễm môi trường

Cập nhật: 07/11/2011
Hiện nay trên cả nước có khoảng 4.575 làng nghề, trong đó có hơn 1.300 làng nghề truyền thống đã và đang giải quyết việc làm cho 11 triệu lao động nông thôn. Song theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có tới 80% làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường, nên cần phải nhanh chóng tái cơ cấu làng nghề và coi đó là giải pháp căn cơ giải quyết ô nhiễm môi trường do làng nghề gây ra.

* “1 tiền gà 3 tiền thóc”

Theo báo cáo mới đây của Đoàn giám sát của Quốc hội: Cho đến nay các làng nghề ở nước ta vẫn phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”, theo tư duy “mỗi làng một nghề” nên thiếu ổn định về quy mô sản xuất, loại hình sản phẩm và nguyên liệu sử dụng. Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành tới 136 văn bản liên quan đến môi trường song tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề vẫn gia tăng chóng mặt. Việc xử lý ô nhiễm như “muối bỏ bể” bởi nếu như làng nghề nộp được 1 đồng vào ngân sách, thì Nhà nước phải đầu tư từ 3-5 đồng để khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường do làng nghề gây ra.

Qua khảo sát của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường-Đại học Bách khoa Hà Nội, có tới 100% mẫu nước thải ở các làng nghề có thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nguồn nước mặt và nước ngầm nơi đây đều có dấu hiệu ô nhiễm. Chỉ đơn cử như tại phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn của tỉnh Bắc Ninh, trong 123 cơ sở sản xuất kinh doanh của làng nghề tái chế kim loại không hề có cơ sở nào xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải; chất thải rắn cũng không được thu gom; hàm lượng SO2 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 48-60 lần, hàm lượng bụi vượt từ 113-230 lần, hàm lượng NO2 vượt 50-76 lần; hầu hết các cơ sở cũng chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hay cam kết bảo vệ môi trường.

Theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến: Do phát triển làng nghề theo kiểu manh mún theo hộ gia đình cộng với thiếu ý thức về bảo vệ môi trường, nên đa số làng nghề xưa nay vẫn tùy tiện xả thải ra môi trường tự nhiên, coi việc xử lý hậu quả ô nhiễm là việc của các cơ quan chức năng Nhà nước. Mặt khác, kinh phí xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm chiếm từ 5-25% tổng kinh phí đầu tư của một cơ sở sản xuất, nên giải pháp “tối ưu” nhất của các làng nghề là xả thẳng chất thải, nước thải vào hệ thống công cộng hoặc các ao hồ trong khu vực. Dẫn tới chính họ phải gánh chịu nạn ô nhiễm môi trường đầu tiên, mà hậu quả của nó là tỷ lệ những người mắc bệnh ngoài da, đường ruột, hô hấp và ung thư cao hơn hẳn so với người dân ở vùng khác.

 

* Tái cơ cấu làng nghề

Đề cập về giải pháp phát triển làng nghề với những mặt hàng truyền thống của Việt Nam theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường, giải quyết được việc làm ngày càng nhiều hơn cho lao động nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vũ Quốc Tuấn cho rằng: Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, thi hành Luật Môi trường và những văn bản dưới Luật, cần sớm tiến hành tái cơ cấu làng nghề và từng doanh nghiệp trong làng nghề. Như vậy phải có chính sách, tổ chức thực hiện, lực lượng thi hành tái cơ cấu; đi đôi với việc làm rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của một số Bộ, ngành...Đồng thời cần hướng dẫn, trợ giúp và huy động mọi lực lượng xã hội tham gia khắc phục ô nhiễm môi trường trong các làng nghề hiện nay.

Trước khi tiến hành tái cơ cấu làng nghề, phải tổng điều tra, đánh giá thực trạng làng nghề trên phạm vi toàn quốc. Qua đó phân loại, đánh giá từng làng nghề theo tiêu chí rõ ràng, làng nghề nào gây ô nhiễm nghiêm trọng thì phải kiên quyết xóa bỏ, còn đối với những làng nghề gây ô nhiễm ít phải có lộ trình khắc phục cụ thể. Đi đôi với quy hoạch, tổ chức lại làng nghề theo quy mô tập trung nhằm xử lý chất thải theo đúng tiêu chuẩn cho phép, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân làng nghề về vốn vay để họ đổi mới trang thiết bị, sản xuất theo tiêu chuẩn “xanh” tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ bảo vệ môi trường đã cho vay 741 tỷ đồng   để thực hiện 129 dự án, trong đó hơn 50% là dự án xử lý chất thải. Tiêu biểu như Quỹ đã tài trợ một phần cho 10 dự án xử lý ô nhiễm của làng nghề Bát Tràng bằng công nghệ mang hiệu quả rõ nét. Theo đó, việc cho vay hoặc tài trợ của Quỹ này nên mở rộng hơn nữa đối với các làng nghề trong thời gian tới, nhằm nhân rộng mô hình xử lý ô nhiễm mà làng nghề Bát Tràng đã áp dụng thành công.

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến về môi trường khu công nghiệp và làng nghề ngày 26/10 vừa qua, TS. Nguyễn Văn Phương, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Môi trường, Đại học Luật Hà Nội nhận xét: Tuy Luật Bảo vệ môi trường đã phát huy tác dụng nhưng vẫn phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Mặt khác sự chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương phải mạnh mẽ hơn để áp dụng triệt để các quy định của pháp luật về môi trường.

Đặc biệt, UBND các cấp và cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị-xã hội phải cùng “nhập cuộc” trong việc xử lý và giám sát các cơ sở làng nghề gây ô nhiễm. Trước mắt, lực lượng Cảnh sát Môi trường ở các địa phương nên chọn một số vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở làng nghề, đưa ra xử lý nghiêm khắc đúng luật định để răn đe, nhắc nhở, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

 

Nguồn: monre.gov.vn