Làng Ðường Lâm nổi tiếng với nhiều ngôi nhà cổ xây bằng đá ong kết hợp với gỗ. Có hơn 140 ngôi nhà hơn 100 năm tuổi. Thậm chí, có ngôi nhà tồn tại qua ba thế kỷ.
Vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát huy làng cổ Ðường Lâm được đặt ra đã lâu, nhưng vẫn thiếu những biện pháp cụ thể. Trong khi đó, những căn nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm không thể mãi "trơ gan cùng tuế nguyệt". Việc tu bổ những ngôi nhà có giá trị là cấp thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, nên việc tiến hành tu bổ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, nếu không muốn bị rơi vào tình trạng "làm mới" nhà cổ. Thành phố Hà Nội đã lập dự án thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ mười ngôi nhà cổ thuộc di tích làng cổ Ðường Lâm. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho ý kiến về vấn đề này trước khi triển khai.
Mười căn nhà cổ được chọn để tu bổ lần này đều nằm trong danh mục các nhà cổ đã được xếp hạng tại Ðường Lâm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các đơn vị thực hiện việc lập dự án thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ nhà cổ Ðường Lâm, vẽ và ghi đầy đủ cấu tạo các bộ phận trước khi hạ giải để phục vụ cho việc phục hồi; lưu ý chỉ được thay mới các cấu kiện khi đủ cơ sở khoa học, chỉ được thay thế những cấu kiện không thể khôi phục... Bộ đề nghị các ban, ngành liên quan cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của dự án trước khi trình phê duyệt. Ðây là lần tu bổ lớn nhất từ trước đến nay tại làng cổ Ðường Lâm, kể từ khi ngôi làng này được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2005.
Chúng ta biết rằng, thời gian qua, không hiếm những vụ việc tôn tạo di tích, di sản để rồi sau đó nhiều người không thể nhận ra di tích cũ. Thậm chí, không chỉ "làm mới" một số chi tiết, người ta còn "lắp ghép" thêm những kiến trúc không ăn nhập gì với di tích cũ. Chính tại Ðường Lâm, mấy năm trước, việc tôn tạo đình Mông Phụ đã khiến người dân tại đây băn khoăn, như việc thay một số gạch đá ong cổ vẫn còn tốt bằng gạch đá ong mới. Ðường Lâm là ngôi làng duy nhất của Hà Nội và là một trong hai ngôi làng trên cả nước được công nhận Di tích cấp quốc gia. Vấn đề tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa tại ngôi làng này luôn nhận được sự chú ý của dư luận. Bởi lẽ, nếu làm biến dạng di sản, không những mất đi vốn quý, mà còn có thể mất cả khách du lịch, khi du khách thấy ngôi làng không còn hấp dẫn. Mặc dù vậy, ở ngôi làng này, cũng có những trường hợp nhà cổ được tôn tạo tốt, dưới sự giúp đỡ, giám sát của các chuyên gia Nhật Bản (thông qua hoạt động của tổ chức JICA). Ðó là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hùng, thuộc thôn Mông Phụ. Tất cả các cấu kiện của ngôi nhà gỗ này đều được đánh giá kỹ càng trước khi sửa chữa, hoặc thay thế. Việc tu bổ được các nhà khoa học đánh giá cao. Bởi theo các nhà khoa học, người ta có thay một cấu kiện giống cấu kiện cũ, nhưng không thể thay được giá trị lịch sử của nó. Việc tu bổ các ngôi nhà cổ ở Ðường Lâm nếu triển khai tốt sẽ tạo đà cho công tác tôn tạo các ngôi nhà cổ có giá trị trên địa bàn nói riêng, tạo hình mẫu cho việc tôn tạo nhà cổ trên phạm vi cả nước nói chung.
GIANG NAM