Từ ngày 1-5/11, Nhóm công tác ASEAN đã tổ chức họp tại TP. Hồ Chí Minh nhằm xem xét tiến độ Dự án Phục hồi và sử dụng bền vững đất than bùn ở khu vực Đông Nam Á (Peatland) và tổ chức thực địa tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng (VQGUMT), tỉnh Kiên Giang.
Tham dự có đại diện các nước trong khối ASEAN, TS. Raman Letchumanan quốc tịch Malaysia, Giám đốc Dự án chủ trì cuộc họp. Tổng cục Môi trường đại diện cho Đoàn Việt Nam tham dự có: TS. Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng; TS. Hoàng Danh Sơn, Vụ trưởng Vụ HTQT & KHCN; đại diện các đơn vị: Vụ HTQT & KHCN, Vụ Kế hoạch và Tài chính, Văn phòng Tổng cục cùng chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Tại cuộc họp, các bên đã nghe đại diện các nước được Dự án Peatland tài trợ báo cáo về tình hình, tiến độ dự án và trình bày kế hoạch triển khai dự án trong năm 2012. Kết thúc cuộc họp, các bên đều nhất trí dự án đã được triển khai đúng tiến độ và thông qua kế hoạch triển khai dự án trong năm 2012.
Sau khi thực địa tại VQGUMT thuộc tỉnh Kiên Giang, được chứng kiến cảnh đa dạng sinh học và làm việc với Ban Giám đốc vườn, các bên đã thống nhất: Đề nghị Việt Nam nhanh chóng chuẩn bị Hồ sơ của VQGUMT để Ban thư ký ASEAN trình Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN thông qua VQGUMT là Vườn di sản ASEAN.
TS. Raman, Giám đốc Dự án phát biểu tại vườn "Chúng tôi đã đi thực địa tại vườn và đã thấy được sự nguyên sinh và đa dạng sinh học của vườn, tôi cho rằng VQGUMT xứng đáng là Vườn di sản ASEAN và mong muốn sớm được công nhận là khu Ramsar".
Đôi nét về VQGUMT
Rừng U Minh Thượng được công nhận là vườn quốc gia vào tháng 1 năm 2002, với diện tích 8.053 hécta. Rừng nằm trong địa giới của các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang, thuộc vùng bán đảo Cà Mau.
Tiền thân của rừng U Minh Thượng là rừng úng phèn U Minh, là kiểu rừng nguyên sinh đặc thù được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới. VQGUMT là nơi sinh sống của một số động vật hoang dã vùng rừng ngập như sóc mun, cầy vòi đốm và trút Java,...
VGQUMT đang được đầu tư, phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn các nguồn giống, gen sinh học quý hiếm. Vườn có nhiều địa chỉ cho Du lịch sinh thái như: mảng chim, mảng dơi quạ, tràm nguyên sinh, quần thể heo rừng, rái cá, kỳ đà, và đặc biệt là khu giải trí câu cá Hồ Hoa Mai...
VQGUMT còn là một trong ba vùng lõi thuộc Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong 8 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam đã được UNESCO công nhận.
Tháng 2 năm 2002, rừng tràm nguyên sinh vùng lõi VQGUMT đã bị cháy khoảng 3.212 ha, trong đó diện tích có tràm khoảng hơn 3.000 ha. Đến nay, ở những địa điểm còn lớp than bùn bên dưới, rừng tràm đã hồi phục hoàn toàn tự nhiên. Trong đó toàn bộ sinh cảnh VQGUMT hồi phục gần như hoàn toàn, chỉ có độ tuổi cây tràm là còn thấp.
Tại buổi thực địa của nhóm công tác ASEAN, ngoài việc trình bày về đa dạng sinh học của VQGUMT, Ban Giám đốc vườn còn cho biết đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống cháy và bảo vệ môi trường cho vườn.
Để bảo vệ vùng lõi, nhiều hệ thống kênh, đê bao được hình thành nhằm khoanh vùng bảo vệ, giữ nước phòng, chống cháy rừng. Bảo tồn các quần xã thực vật, khu làm tổ, cư trú của các loài chim để chúng tiếp tục sinh sôi, phát triển nhanh. Thực tế cho thấy, nhiều loài chim quý hiếm ở vườn đang phát triển nhanh bầy đàn, số lượng cá thể tăng lên nhiều so với trước đây.
Giới thiệu về dự án Peatland
Dự án Peatland là dự án nằm trong lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu chung nhằm tăng cường quản lý bền vững và phục hồi các vùng đất than bùn ở Việt Nam thông qua nâng cao năng lực, cải thiện quản lý liên ngành và trình diễn những hoạt động tốt nhất ở vùng được chọn.
Dự án gồm 04 hợp phần: Củng cố năng lực để quản lý bền vững đất than bùn; Giảm thiểu sự xuống cấp của các vùng đất than bùn ở Việt Nam thông qua quản lý rừng và phòng, chống cháy; Quản lý bền vững và phục hồi đất than bùn ở VQGUMT; Cộng đồng địa phương ở VQGUMT bớt phụ thuộc vào đất than bùn với vai trò là sinh kế của họ.
Kết quả chủ yếu của dự án bao gồm: Giảm thiểu sự xuống cấp của các vùng đất than bùn ở Việt Nam thông qua việc thực hiện kế hoạch quản lý quốc gia; Nâng cao nhận thức về quản lý đất than bùn ở Việt Nam; Đẩy mạnh quản lý đất than bùn ở Việt Nam; Hỗ trợ thực hiện kế hoạch quản lý tại chỗ dành cho VQGUMT; Xây dựng và thực hiện dự án an sinh cộng đồng bền vững tại VQGUMT.
Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) là Nhà tài trợ của Dự án. Tại Việt Nam, cơ quan chủ quản là Bộ TN&MT và Tổng cục Môi trường là chủ dự án. Hà Nội và VQGUMT là địa điểm thực hiện dự án tại Việt Nam./.