Bảo tồn đa dạng sinh học là bảo vệ điều kiện sống tương lai

Cập nhật: 23/11/2011
Đa dạng sinh học của nước ta vẫn đang trong xu hướng suy giảm ở cả 3 lĩnh vực - các hệ sinh thái bị xuống cấp, các loài bị đe dọa và nguồn gen xói mòn. Đây là điều đáng lo ngại nhất.

Đa dạng sinh học của nước ta đang trong xu hướng suy giảm

Từ giữa những năm 80 thế kỷ trước, bảo tồn đa dạng sinh học đã được Nhà nước ta quan tâm thông qua việc xây dựng các chiến lược và kế hoạch hành động. Trong đó phải kế đến Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học năm 2010, định hướng đến năm 2020 được xây dựng năm 2007. Bên cạnh đó là các chiến lược và kế hoạch chuyên ngành trực tiếp liên quan đến công tác này như Chiến lược bảo vệ môi trường năm 2010 định hướng đến năm 2020, Chiến lược quản lý rừng đặc dụng đến năm 2010, Kế hoạch hành động về việc chống buôn bán các loài nguy cấp giai đoạn 2004 - 2010, Kế hoạch bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước đến năm 2010.

Đặc biệt, với Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực từ tháng 7/2009, công tác bảo tồn đa dạng sinh học được nhìn nhận một cách thống nhất, tổng thể và ở mức độ cao. Cùng với việc xây dựng các Nghị định triển khai luật đa dạng sinh học, Cục bảo tồn Đa dạng sinh học đã triển khai xây dựng dự thảo Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020. Hội thảo tham vấn đầu tiên vừa được tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý tại Vườn Quốc gia Ba Vì Hà Nội.

Điều đáng lo ngại nhất chính là đa dạng sinh học của nước ta vẫn đang trong xu hướng suy giảm ở cả 3 lĩnh vực - các hệ sinh thái bị xuống cấp, các loài bị đe dọa và nguồn gen xói mòn.

TS. Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rừng và đất ngập nước cho biết, hiện nay diện tích các hệ sinh thái tự nhiên còn giá trị bảo tồn đa dạng sinh học được Chính phủ phê duyệt quy hoạch và phê duyệt chủ trương quy hoạch là 13 triệu ha (chiếm khoảng 39% lãnh thổ). Trong đó có 10 triệu ha rừng tự nhiên, 2 triệu ha đất ngập nước tự nhiên và 1 triệu ha hệ sinh thái biển. Nhưng chỉ hầu hết rừng tự nhiên và một số hệ sinh thái biển được xác định phạm vi ranh giới và có ban quản lý. Còn toàn bộ hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên đều chưa xác định phạm vi, ranh giới và chưa có ban quản lý.

 

Hệ sinh thái tự nhiên đang bị chia cắt: Mỗi nơi quản một kiểu

Theo TS. Nguyễn Chí Thành, một trong các nguyên nhân dẫn đến suy thoái đa dạng sinh học là hệ sinh thái tự nhiên đang bị chia cắt theo ranh giới hành chính, mỗi địa phương có một chính sách quản lý riêng, thiếu quản lý tổng hợp liên vùng. Còn có một nguyên nhân tác động trực tiếp tới hệ sinh thái là việc quy hoạch sử dụng đất mới chỉ dựa trên mục đích đáp ứng mục tiêu kinh tế - xã hội, chưa quan tâm tới tiêu chí hệ sinh thái.Tình trạng đô thị mọc lên trên các vùng đất ngập nước, chuyển rừng tự nhiên thành rừng cao su, phá rừng ngập mặn nuôi tôm… đã và đang phá vỡ, suy thoái các hệ sinh thái. Nhưng điều quan trọng nhất chính là nhận thức của các cơ quan quản lý và xã hội về chức năng và giá trị của hệ sinh thái còn hạn chế, dẫn đến việc phát triển nhưng tác động xâáu đến hệ sinh thái.

TS. Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, theo Sách Đỏ Việt Nam 2007, số loài động - thực vật hoang dã trong tự nhiên bị đe dọa lên tới 882 loài, tăng 161 loài so với năm 1992. Có 9 loài động vật bị de dọa ở mức nguy cấp năm 1992, đến nay được xem đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên gồm Tê giác 2 sừng, bò Xám, Heo vòi, Cầy rái cá, cá Chép gốc, cá Chình Nhật, cá Lợ thân thấp, Hươu sao, cá Sấu hoa cà. Trong hệ thực vật, loài Lan hài Việt Nam đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Số lượng các loài thủy sinh vật, đặc biệt các loài tôm, cá có giá trị kinh tế bị giảm sút nhanh chóng. Số lượng cá thể các loài cá nước ngọt quý hiếm, có giá trị kinh tế, các loài có tập tục di cư bị giảm sút. TS. Lê Xuân Cảnh cho rằng, sự tồn tại của nhiều loài động vật hoang dã bị đe dọa khi chỉ còn những quần thể nhỏ bé, bị chia cắt mạnh. Ba trong số bốn loài linh trưởng đặc hữu của nước ta có quần thể dưới 500 con. Nếu xu hướng này tiếp diễn như hiện nay, trong thời gian không xa của thế kỷ 21 có thể sẽ phải chứng kiến một làn sóng tuyệt chủng của một số loài động, thực vật hoang dã của Việt Nam, ở mức độ chưa từng thấy trong lịch sử, kèm theo các thiệt hại về môi trường và kinh tế.

Lĩnh vực được coi là kết quả đáng kích lệ là công tác bảo tồn gen động thực vật, cây nông lâm nghiệp, cây thuốc, vi sinh vật. Theo báo cáo của Vụ Khoa học Công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại ngân hàng gen cây giống quốc gia có 18.518 nguồn gen của 83 loài cây có hạt được lưu giữ trong kho lạnh; 2.262 nguồn gen của 32 loài cây sinh sản vô tính được lưu giữ trên Ngân hàng gen đồng ruộng và trong ngân hàng gen in - vitro là tập đoàn khoai môn - sọ. Vườn tiêu bản quỹ gen cây ăn quả có 100 nguồn gen và khoảng 7.527 nguồn gen của 250 loài cây trồng đang dược lưu giữ tại vườn tiêu bản hoặc vườn thực vật của các cơ quan thành viên.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn tài nguyên di truyền sinh học đã và đang bị mất đi do nhiều nguyên nhân, bao gồm: Các chương trình lai tạo dùng giống đực ngoại để cải tạo giống địa phương làm giảm tỷ lệ giống thuần chủng; các giống thuần nội có khả năng thích nghi, chống chịu và kháng bệnh tật cao nhưng năng suất thấp bị giảm do áp lực kinh tế và thị trường; một số nguồn gen số lượng cá thể quá ít khi phát triển nảy sinh vấn đề đồng huyệt, cận huyết làm suy giảm chất lượng nguồn gen và cuối cùng là công tác quản lý nguồn gen chưa thực sự hiệu quả.

Có thể thấy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học nếu không được nhìn nhận đúng mức, được triển khai quyết liệt, thì các nguy cơ tiềm tàng đối với hệ sinh thái tự nhiên, động thực vật hoang giã và nguồn gen khó có thể được kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi; cho dù nước ta có thuộc tốp đa dạng sinh học cao của thế giới, cho dù đa dạng sinh học là điều kiện sống tương lai.

Nguồn: Monre