Khám phá ''hồ nước nhân tạo'' lớn nhất Việt Nam

Cập nhật: 20/12/2011
Hồ Thác Bà không chỉ là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, mà còn được ví như "Vịnh Hạ Long trên miền sơn cước". Không chỉ là một thắng cảnh đẹp, hồ Thác Bà còn là chứng tích lịch sử nổi tiếng và đã được công nhận là quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996.

Hồ Thác Bà được ví như "Vịnh Hạ Long trên miền sơn cước".

 

Cách Hà Nội 180  km về phía Tây, Hồ Thác Bà thuộc 2 huyện Lục Yên và Yên Bình; được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn tất năm 1970, làm nghẽn dòng sông Chảy và tạo ra hồ: có diện tích 23.400 ha, dài 80 km, rộng từ 10 - 15 km và sâu 45 - 60 m. Hồ là một thắng cảnh hữu tình với mặt nước trong xanh, in bóng những vạt rừng già bao quanh, cùng hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ và nhiều hang động.

 

Khi mùa nước lên, bức tranh sơn thủy của hồ Thác Bà càng trở nên lộng lẫy. Động Thuỷ Tiên, Xuân Long với muôn hình vạn trạng nhũ đá; núi Cao Biền, Chàng Rể, đảo Trinh Nam, đền Thác Bà, Thác Ông gắn với những huyền thoại bí ẩn... càng trở nên lung linh và huyền ảo hơn trong mắt của những người "thưởng cảnh".

 

 "Giữa sông nước mênh mông mà được ngồi trên thuyền loanh quanh qua những đảo nhỏ như hình trái mâm xôi với màu xanh nguyên thủy của núi rừng Tây Bắc thì đẹp đến mê hồn. Hay thậm chí, nếu đứng trên đỉnh núi Cao Biền - dãy núi lớn và dài nhất của hồ, cũng có thể phóng tầm mắt ngắm cảnh hồ chìm trong sương... đẹp mờ mờ ảo ảo", chị Hoàng Lan, một du khách đến hồ Thác Bà trong Lễ hội "Âm vang hồ Thác", chia sẻ.

 

Hồ Thác bà nhìn từ trên cao.

 

Không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt sắc, hồ Thác Bà còn gắn liền với sự kiện lịch sử nổi tiếng. Tại mảnh đất này, năm 1285, Trần Nhật Duật đã chỉ huy đánh trận Thu Vật, phá tan quân Nguyên Mông. Ngoài ra, ở vùng thượng hồ còn có một số nơi là cơ sở hoạt động của các cơ quan trung ương thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Giữa hồ có động Mông Sơn - từng là căn cứ hoạt động của Tỉnh ủy Yên Bái trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

 

Đến nay, khu vực làng ven hồ vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... Nhiều lễ hội đặc sắc thường diễn ra như: Lễ hội mừng cơm mới của người Tày tổ chức vào ngày 9 tháng 10 âm lịch khi tiết trời sang thu, mùa thu hoạch lúa nếp đến, mùi thơm lan tỏa khắp bản làng. Trong đêm trăng sáng, lễ hội tưng bừng, trai gái hẹn hò nhau cùng giã cốm, rồi từng cặp nhảy múa với trang phục rất độc đáo. Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao với các điệu múa miêu tả cuộc sống của cộng đồng, như cấy lúa, làm nương... với hình thức mang đậm nét dân gian.

 

Đặc biệt, giữa tháng 11 vừa qua, Lễ hội "Âm vang hồ Thác" năm 2011 đã được tổ chức tưng bừng nhằm khơi dậy những nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc của vùng ven sông Chảy, với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc, như văn hóa trang phục, nghệ thuật và văn hóa ẩm thực. "Đây là dịp quảng bá du lịch một di tích danh thắng, đồng thời cũng là dịp để du khách có thể tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán, tình cảm, sự thân thiện, lòng hiếu khách và chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của vùng hồ Thác Bà", đại diện Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết.

 

Hiện, với tiềm năng của vùng hồ Thác Bà, các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái và các cơ quan chức năng xác định phát đưa du lịch Thác Bà thành thành một trong những trọng điểm của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, vì chưa thu hút được các nhà đầu tư, du lịch hồ Thác Bà vẫn là nhỏ lẻ, manh mún. "Dù là hồ nhân tạo, hồ Thác Bà vẫn sở hữu một tài sản thiên nhiên vô giá. Tôi rất thích nơi này, nhưng đến rồi mới thấy, địa phương vẫn chưa khai thác đồng bộ tiềm năng du lịch", chị Lan nói.

Nguồn: vacne.org.vn