Khám phá vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát

Cập nhật: 21/12/2011
Cách thị xã Tây Ninh khoảng 30 km về phía tây bắc, Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát nằm trên địa phận 4 xã Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp và một phần xã Thạch Tây thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, là nơi chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Với diện tích 18.765 ha được chia thành 3 phân khu, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 8.594 ha, phân khu phục hồi sinh thái 10.084 ha và phân khu hành chính, dịch vụ 87 ha, Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát là khu rừng đặc dụng có rừng che phủ chiếm 26% tổng diện tích che phủ rừng tự nhiên của tỉnh.

Nơi đây có thảm thực vật rừng dạng khảm giữa rừng bán rụng lá, rừng rụng lá trên đất thấp và các dải hẹp rừng thường xanh ven sông suối và rừng tràm. Ngoài ra, gần biên giới với Campuchia còn có dải đồng cỏ đất lầy với các thảm cói lác.

Hệ thực vật của VQG rất đa dạng và phong phú với 696 loài thuộc về 5 ngành thực vật, 60 bộ, 115 họ và 395 chi. Có 158 loài cây có khả năng làm thuốc hoặc đã được sử dụng làm thuốc nam truyền thống địa phương; 58 loài cây cho gỗ; 21 loài cây làm cảnh; 10 loài cây thực phẩm; 7 loài cây dùng làm rau xanh.

Hệ động vật có 415 loài trong đó có một số loài thú tiêu biểu như voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), voọc bạc Đông Dương ( Trachypithecus villosus), khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), gấu ngựa (Ursus thibetanus), sói đỏ (Cuon alpinus) và sói vàng (Canis aureus), cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus), khỉ đuôi lợn (Macaca leonina), khỉ đuôi dài (M. fascicularis)...

Khu hệ chim tại vườn quốc gia này rất đặc trưng với 203 loài thuộc 15 bộ và 40 họ. Tại các sinh cảnh đất ngập nước có rừng đã ghi nhận nhiều loài chim nước quý hiếm như Giang sen (Ciconia episcopus), Già đẫy Java (Leptoptilos javanicus) và Cò nhạn (Anastomus oscitans), Le khoang cổ... Nơi đây còn là nơi dừng chân của loài Sếu đầu đỏ (Grus antigone) trên tuyến di cư giữa đồng bằng sông Cửu Long về nơi sinh sản tại Campuchia. Do đó, Lò Gò-Xa Mát còn được công nhận là một trong các vùng chim quan trọng của Việt Nam.

Hiện tại, VQG có 4 loài quý hiếm được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam và thế giới cần quan tâm bảo tồn là: Gà lôi hông tía (Lophura diard), Già đẫy Java (Leptoptilos javanicus), Hạc cổ trắng (Ciconia episcopus), Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini).

Trong chiến tranh chống Mỹ, Lò Gò-Xa Mát  là cơ sở của Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là căn cứ cách mạng của quân giải phóng. Bởi vậy, khu vực này còn có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử.

Với vị trí địa lý đặc thù, VQG Lò Gò-Xa Mát có nguồn tài nguyên thiên nhiên và có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hoá về nguồn.

 

Thanh Phạm (Biên tập)