Phát triển du lịch VN bền vững: Tăng trưởng từ “nóng” sang “xanh”

Cập nhật: 09/01/2012
Du lịch Việt Nam xác định tăng trưởng bền vững và phát triển du lịch bền vững là cách chuyển đổi hài hòa hợp lý từ “tăng trưởng nóng” sang “tăng trưởng xanh”, từ phát triển chưa bền vững sang phát triển bền vững trong thời gian tới.

Việt Nam có đủ tiềm năng cả về di sản văn hóa, lịch sử, cảnh quan, con người, xã hội và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp tích cực và đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo bà Hoàng Thị Điệp- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Du lịch bản chất là một ngành “kinh tế đối ngoại” và “công nghiệp không khói” mang tính đặc thù, với các mối quan hệ liên ngành và tính liên vùng, liên địa phương rất đậm nét.

Vì thế, với tình hình phát triển như hiện nay của ngành Du lịch, cần sớm xem xét sửa đổi Luật Du lịch, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Chiến lược phát triển và Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch cũng cần đầu tư hợp lý.

Việc tổ chức bộ máy quản lý các cấp cũng như chương trình hành động quốc gia về Du lịch cũng cần được xây dựng, áp dụng sao cho vừa có tính ổn định lâu dài, vừa có tính linh hoạt”.

Bà Điệp nhấn mạnh việc kiên quyết chỉ đạo thực hiện xây dựng quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn cả nước và các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, tiếp đến là các tỉnh, thành phố và các khu du lịch, đảm bảo tính khoa học, đồng bộ với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành và quy hoạch không gian lãnh thổ khác, triệt để tuân theo các quy tắc phát triển bền vững.

Ngành Du lịch cũng nên tiến hành rà soát các đề án, dự án du lịch hoặc liên quan tới du lịch theo hướng kiên quyết điều chỉnh hoặc loại bỏ các dự án, đề án không đáp ứng được các yêu cầu tiêu chí phát triển bền vững.

 Ngành Du lịch cũng nên tiến hành rà soát các đề án, dự án du lịch hoặc liên quan tới du lịch theo hướng kiên quyết điều chỉnh hoặc loại bỏ các dự án, đề án không đáp ứng được các yêu cầu tiêu chí phát triển bền vững. Nghiên cứu xây dựng hoặc bổ sung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật các nội dung, quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan tới phát triển bền vững một các hợp lý và kịp thời.

Đồng thời, xây dựng và ban hành các chế độ, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch có trách nhiệm, an toàn, thân thiện với môi trường. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 cũng đã xác định chính sách ưu đãi đối với phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm.

“Cần xác định rõ chức năng quản lý nhà nước trong du lịch, phân cấp quản lý du lịch một cách khoa học theo địa bàn lãnh thổ, xác định đúng đắn vai trò rất quan trọng của các mối quan hệ liên ngành giữa Du lịch với các ngành hữu quan. Đặc biệt tổ chức hợp lý Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch sao cho hoạt động thật sự có hiệu lực”- ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, trưởng đoàn nghiên cứu, bồi dưỡng “Quản lý du lịch” tại Italia vừa trở về cho biết.

Theo ông Phạm Minh Chính, cần xác định rõ và khai thác tối ưu các thế mạnh, tiềm năng, tài nguyên du lịch quốc gia, của mỗi vùng, miền để đầu tư đúng hướng nhằm xây dựng cho được các sản phẩm du lịch mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó là phát huy, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch truyền thống đã và đang khai thác, chào bán có hiệu quả. Tuy nhiên, những sản phẩm có thể đã sắp bước sang “giai đoạn suy thoái” trong “vòng đời sản phẩm du lịch 4 giai đoạn” thì phải được đổi mới một cách thích hợp. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết liên vùng, liên địa phương, kể cả liên quốc gia nhằm thiết lập các tour, tuyến du lịch hấp dẫn, hiệu quả… cũng là biện pháp để phát triển du lịch bền vững.

Nguyễn Anh


Nguồn: Báo Văn hóa