Sếu đầu đỏ (Sếu cổ trụi) về đồng cỏ bàng ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) ngày càng nhiều hơn, số lượng năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2006, đàn sếu đầu đỏ chỉ có 66 con thì hiện nay tăng lên 206 con, cho thấy môi trường sinh thái ở đây cải thiện đáng kể, ổn định và bền vững, trở thành nơi cư ngụ quan trọng của Sếu, vốn là loài chim rất nhạy cảm với môi trường. Đồng cỏ bàng tự nhiên ở xã Phú Mỹ là đồng cỏ duy nhất còn sót lại của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Quá trình triển khai thực hiện dự án khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương từ năm 2004 đến nay đã khảo sát đất đai, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, hình thành phân khu chức năng để bảo vệ và khai thác, phục hồi nguồn lợi cỏ bàng, theo dõi và quan trắc đa dạng sinh học hệ sinh thái đồng cỏ ngập theo mùa trong vùng dự án. Cụ thể là đã bảo vệ được 1.200ha đồng cỏ và rừng tràm tự nhiên, phục hồi 60ha đồng thời trồng mới 20ha cỏ bàng, khôi phục hệ sinh thái bền vững, môi trường thân thiện thu hút đàn chim Sếu đầu đỏ tựu về.
Theo đó, dự án phối hợp với các trường đại học tiến hành nhiều nghiên cứu về quần thể Sếu đầu đỏ và sinh cảnh sống của chúng khu vực Hà Tiên-Kiên Lương, trong đó có đồng cỏ bàng. Qua đó, triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn Sếu đầu đỏ, một loài chim quý hiếm không những có trong sách Đỏ Việt Nam mà còn có trong sách Đỏ của thế giới vì số lượng của loài còn quá ít.
Hiện nay, đồng cỏ bàng ở xã Phú Mỹ tiếp tục đang là điểm đến nghiên cứu Sếu đầu đỏ và môi trường sinh thái, đa dạng sinh học của nhiều nhà khoa học, sinh vật học, môi trường học và sinh viên của nhiều trường đại học trong nước và thế giới.