Đà Nẵng bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch biển

Cập nhật: 12/01/2012
Biển Đà Nẵng nổi tiếng là cát trắng, nước trong, được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới. Nhưng hiện nay các bãi biển này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải, rác thải từ các nguồn sinh hoạt, dịch vụ du lịch, công nghiệp... của thành phố.

THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG DU LỊCH ĐÀ NẴNG

Vào mùa nắng nóng cao điểm, các bãi biển ở Đà Nẵng thu hút từ 5 - 7 nghìn người mỗi ngày, đặc biệt, vào những ngày lễ hội con số này xấp xỉ 10.000 người. Với sự tập trung lớn du khách như vậy, biển Đà Nẵng hàng ngày phải chịu áp lực của sự ô nhiễm. Những bãi biển trải dài đã bắt đầu bị chia cắt bởi những khách sạn, nhà hàng, resort. Hàng loạt rừng thông ven biển bị chặt phá. Mùa bão cát bay trắng xóa, phủ đầy những con đường và nhà cửa ven biển. Trên bãi cát trắng phau giờ hằn lên những vũng nước đen ngòm đủ thứ rác rưởi, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nếu cứ duy trì tình trạng này, chẳng bao lâu nữa những bãi cát trắng ven bờ vốn làm nên nét đẹp thơ mộng tuyệt vời của bãi biển sẽ bị xóa sổ. Bên cạnh đó, tình trạng nước thải từ các nhà hàng ăn uống, các khu resort đổ trực tiếp ra biển đã làm mất mỹ quan cũng như mất lòng du khách khi đến đây.

TP. Đà Nẵng đang tiến hành nâng cấp những khu du lịch hiện có và xây dựng thêm những khu du lịch mới. Phát triển du lịch đem lại nguồn thu cho ngân sách thành phố, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển nhiều nơi chưa theo đúng quy hoạch nên ảnh hưởng đến môi trường, giảm sút đa dạng sinh học…

Nước chảy ra biển là nước thải có nguồn gốc từ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh dịch vụ và du lịch, vì thế việc ô nhiễm bãi biển là đương nhiên. Trong khi đó, thành phố đang thực hiện đề án "Xây dựng TP. Đà Nẵng thành thành phố môi trường đến năm 2020", liệu đề án này có thành hiện thực khi mà nước biển, cát biển ngày càng bị xâm thực bởi rác thải và nước thải sinh hoạt? Để làm được điều này, ngoài sự ra tay quyết liệt của chính quyền, còn cần ý thức của người dân thành phố, chủ các nhà hàng khách sạn, khu du lịch và chính người đang hưởng lợi trực tiếp từ biển.

 

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Về thể chế chính sách

Công tác quản lý môi trường được triển khai toàn diện trên nhiều mặt như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, quy định về đảm bảo trật tự an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình...

Các chương trình đề án giảm thiểu suy thoái môi trường

Đà Nẵng đã thực hiện các chương trình quản lý và kiểm tra thường xuyên chất lượng môi trường biển, quản lý ô nhiễm công nghiệp, xử lý triệt để các ơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố... Thành phố đã tổ chức nhiều phong trào huy động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường biển như "Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp", chương trình thí điểm về phân loại rác thải tại nguồn, phân cấp quản lý hồ đầm trên thành phố...

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đã xây dựng hệ thống thu gom rác, bãi rác hợp vệ sinh, hệ thống thoát nước khu vực nội thành và 4 trạm xử lý nước thải sinh hoạt trước khi thải ra biển. Dự án môi trường Việt Nam - Canada đã giúp Đà Nẵng nâng cao năng lực quản lý môi trường trong công nghiệp, hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật quan trắc môi trường...

Thành phố đã lắp đặt 30 thùng rác tại 5 bãi biển để người dân và khách du lịch bỏ rác vào thùng. Công ty Môi trường Đô thị đã đưa vào sử dụng một máy sàn cát hiện đại để làm sạch bãi biển. Bên cạnh đó, thành phố đã cho xây dựng nhiều công trình vệ sinh công cộng ở các bãi biển và hơn 70 hộ kinh doanh ăn uống trên các bãi tắm cam kết về kinh doanh văn minh, lịch sự và thân thiện trên biển. Mỗi ngày có 10 đội viên thanh niên xung kích và nhân viên quản lý túc trực ở các bãi tắm để đảm bảo trật tự. Ban quan lý kết hợp với chính quyền địa phương kiên quyết dẹp nạn buôn bán hàng rong và gần 50 nhân viên của Công ty Môi trường Đô thị túc trực từ sáng đến chiều tối để thu gom rác thải từ khách đi biển...

Ngoài ra, hàng năm thành phố còn phối hợp với các nhà hàng, khách sạn, đơn vị địa phương tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường biển; hợp đồng với đài truyền hình DRT xây dựng và phát sóng các chuyên mục về bảo vệ môi trường biển Đà Nẵng; phát hành tờ rơi "chung tay bảo vệ môi trường biển" đến với người dân và du khách…

 

GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG DU LỊCH BIỂN

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường biển dưới nhiều hình thức cho những người làm du lịch và du khách tham quan.

Các đơn vị khi xây dựng cơ sở kinh doanh du lịch phải tuân thủ các điều kiện môi trường. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phải đạt độ chính xác cao, không nên coi đây chỉ là thủ tục khi tiến hành kinh doanh.

Từng bước hoàn hiện và tiến tới toàn bộ các cơ sở dịch vụ du lịch phải hoàn thiện xử lý nước thải trước khi đưa vào hệ thống thải chung của thành phố. Các đơn vị phải có thùng rác nắp đậy phân loại chất thải rắn.

Tăng cường trồng cây xanh tại các cơ sở kinh doanh du lịch. Không nên chặt phá những hàng phi lao ven biển dưới bất kỳ hình thức nào, vì đây là loại cây có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan sinh thái, giúp chống nạn cát bay mỗi khi có gió bão mạnh.

Có chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các dự án du lịch sinh thái, du lịch biển và các đơn vị áp dụng công nghệ môi trường.

Quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các cá nhân, tổ chức trong quá trình kinh doanh dịch vụ du lịch.         

Xây dựng cơ chế liên ngành về bảo vệ môi trường. Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý môi trường, chính quyền địa phương, chủ các cơ sở kinh doanh du lịch...

Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về môi trường. Bởi muốn quản lý tốt và hoạch định chiến lược phát triển đúng đắn thì cần thiết phải dựa vào thông tin với độ chính xác cao. Đây cũng là những cơ sở trao đổi thông tin về môi trường của các sở, ban, ngành có liên quan.
 

Nguồn: VTR