Cách Hà Nội hơn 200km về phía đông, cách thành phố Hạ Long 60km, thuộc địa phận các xã Minh Châu, Vạn Yên và Hạ Long, vườn quốc gia Bái Tử Long được ví như một tặng phẩm vô giá mà tạo hóa ban tặng cho mảnh đất Vân Đồn (Quảng Ninh). Nơi đây không chỉ có non xanh - biển biếc, phong cảnh thơ mộng, hữu tình, mà còn chứa đựng giá trị đa dạng sinh học đặc sắc, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Ninh phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Cấu tạo địa chất của vườn quốc gia Bái Tử Long bao gồm các đảo đất như: Ba Mùn, Trà Ngọ Nhỏ, Sậu Nam, Sậu Đông… nằm xen kẽ với các đảo đá vôi như: Trà Ngọ Lớn, Đông Ma, Hòn Chính, Lò Hố, Máng Hà Nam, Máng Hà Bắc, Di To, Chầy Cháy, Đá Ẩy, Soi Nhụ… Nhiều đảo đá vôi có hình thù đa dạng, trông giống con công hay thiên nga đang bơi lội hoặc một con ngựa đá khổng lồ... Cùng với đó là những quần thể thực vật tươi tốt, quanh năm che phủ trên núi đá; những lạch biển trong xanh chạy dài; những bãi cát vàng với vẻ đẹp tinh khôi, ẩn mình tĩnh lặng dưới chân các đảo nhỏ… Đặc biệt, khi thủy triều xuống thấp, những ngấn đá hằn sâu dưới chân đảo - biểu hiện của các vận động địa chất – cũng là một cảnh đẹp có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với du khách khi đến thăm vườn quốc gia Bái Tử Long.
Với tổng diện tích 15.783ha, vườn quốc gia Bái Tử Long có 3 hệ sinh thái cơ bản là: rừng trên cạn, đất ngập nước và biển. Hệ sinh thái rừng trên cạn có diện tích 6.125ha bao gồm các quần thể động, thực vật hình thành và phát triển trên đảo đá vôi và đảo đất. Hệ sinh thái rừng trên đảo đá vôi bao gồm nhiều loài thực vật chịu hạn như: trai lý, tuế đá vôi, lan hài vệ nữ hoa vàng, kim giao núi đá, lát hoa, tắc kè đá…; và các loài động vật như: khỉ vàng, tắc kè, cao cát bụng trắng… Hệ sinh thái rừng trên đảo đất có các quần thể thực vật mang giá trị kinh tế cao như: lim xanh, re hương, kim giao núi đất, táu mật… và một số loài động vật như: lợn rừng, hoẵng, nhím, don, tê tê vàng, khỉ vàng, rái cá thường, rái cá lông mượt, báo lửa, tắc kè, trăn gấm, rắn hổ mang, rắn hổ mang chúa, rùa hộp ba vạch,... Đặc biệt, hệ sinh thái rừng nơi đây còn là nơi sinh sống của quần thể nai duy nhất trong vùng Đông Bắc Việt Nam.
Hệ sinh thái đất ngập nước có diện tích 1.000ha, bao gồm: rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, bãi triều cát và bãi triều đá. Với tổng diện tích 100ha, rừng ngập mặn phân bố tại một số địa điểm chính như: vụng Cái Quýt, vụng Lỗ Hố, vụng Soi Nhụ, vụng Ổ Lợn, thung áng Cái Đé, thung áng Cái Lim. Đây là nơi cư trú, sinh sản của các loài tôm, cua, cá, sá sùng...; đồng thời là nơi sinh sống của nhiều loài động vật trên cạn như: khỉ, chim và rất nhiều loài côn trùng, đặc biệt là ong mật. Hệ sinh thái rừng ngập mặn với cảnh quan đặc sắc, đa dạng sinh học cao là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học.
Phân bố rải rác tại các khu vực có đáy dạng cát bùn như: Chương Di, sông Mang, vụng Lỗ Hố, vụng Cái Đé, vụng Trà Thần, áng Ông Tích với tổng diện tích khoảng 10ha, thảm cỏ biển gồm các loài thực vật bậc cao thuộc lớp một lá mầm, bộ thủy thảo. Đây là hệ sinh thái rất quan trọng vì nó là nơi cư trú và là nguồn cung cấp thức ăn cho nhiều loài hải sản quý như: ốc nhảy, tôm rảo…
Hệ sinh thái bãi triều cát và bãi triều đá là nơi sinh sống của rất nhiều loài sinh vật biển mà nổi bật nhất là ngành nhuyễn thể, tạo cho vùng đất Vân Đồn nhiều sản vật đặc trưng hấp dẫn du khách.
Hệ sinh thái biển chiếm diện tích 8.658ha với đặc trưng là hệ sinh thái rạn san hô. Hệ sinh thái này là nơi sản sinh ra các chất hữu cơ, cung cấp thức ăn không chỉ cho chính nó, cho các sinh vật sống trong rạn mà còn có ý nghĩa cho toàn vùng biển. Trong vườn quốc gia có 106 loài san hô cứng thuộc 34 giống, 12 họ phân bố rải rác tại các khu vực: hòn Mang Khơi, Soi Mao, Đầu Cào, Đá Ẩy, phía nam Sậu Nam, phía đông đảo Ba Mùn… và chủ yếu là san hô dạng khối, dạng phủ, bám chắc vào đá. Tại đây còn có một số loài sinh vật biển quý hiếm, được ghi trong sách Đỏ Việt Nam như: cá heo trắng Trung Hoa, cá Ông Chuông, tu hài, trai ngọc, bào ngư, sá sùng và đặc biệt là 2 loài rùa biển (vích và đồi mồi).
Bên cạnh giá trị về cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, vườn quốc gia Bái Tử Long còn có rất nhiều địa chỉ khảo cổ có ý nghĩa về khoa học, văn hóa, lịch sử như: thương cảng Vân Đồn, dòng sông Mang… cùng với di chỉ khảo cổ hang Soi Nhụ - nơi phát hiện sự tồn tại của người Việt cổ cách đây khoảng 4000 – 5000 năm.
Với nhiều tiềm năng và giá trị độc đáo, vườn quốc gia Bái Tử Long đang là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Ban quản lý vườn quốc gia đã đầu tư phát triển du lịch cộng đồng như một hướng đi bền vững. Hoạt động du lịch cộng đồng thu hút ngày càng nhiều cá nhân và hộ gia đình tham gia, chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực cơ bản đó là: dịch vụ cung ứng nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống và dịch vụ vận chuyển. Ngoài ra còn có các dịch vụ bổ sung khác như: cho thuê xe đạp, bán đồ hải sản... Bên cạnh đó, Ban quản lý vườn quốc gia Bái Tử Long còn chú trọng phát triển du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao. Theo đó, Ban quản lý vườn đã phối hợp với các doanh nghiệp du lịch thân thiện với môi trường tổ chức một số hoạt động du lịch tại vườn quốc gia Bái Tử Long như: xem rùa, ngắm san hô, trekking xuyên rừng, đạp xe, tìm hiểu các hệ sinh thái, cắm trại… thu hút sự tham gia của rất nhiều du khách.
Việc phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái ở vườn quốc gia Bái Tử Long đã không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, sự bền vững về xã hội, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Phạm Phương