Ninh Thuận- Mô hình xử lý rác thải lý tưởng

Cập nhật: 01/02/2012
Kiến trúc sư Phạm Văn Hậu, Giám đốc Sở Xây dựng Ninh Thuận khiến nhiều người giật mình khi công bố rằng, Ninh Thuận đã xử lý và tái xử dụng được 90% rác thải thu gom được, tỉ lệ chôn lấp chỉ còn từ 5 đến 10%. Đây là một bước tiến đáng kể so với 9 năm trước, Ninh Thuận phải chôn lấp toàn bộ 45% rác thải thu gom được.

Ông Phạm Văn Hậu cho biết, thành công này gắn liền với sự ra đời của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại & Sản xuất Nam Thành. Năm 2002, Công ty đề xuất với  tỉnh một dự án xây dựng nhà máy xử lý rác bằng "Dây chuyền xử lý rác chưa phân loại" do chính doanh nghiệp sáng chế . Nhận thấy dự  án giải quyết được vấn đề xử lý rác thải trước mắt và lâu dài cho  địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty hoàn thành nhanh chóng các thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng. Riêng Sở Xây dựng có trách nhiệm xây dựng mô hình quản lý và thu gom rác thải phù hợp với mục tiêu dự án.

Nhờ đó, chỉ trong một năm, nhà máy xử lý rác thải đã xây dựng xong. Sở Xây dựng mạnh dạn kiến nghị  UBND chuyển toàn bộ bộ phận quản lý thu gom rác thải trước đây thuộc Công ty Công trình đô thị sang Công ty Nam Thành. Giao cho Công ty Nam Thành chịu trách nhiệm toàn bộ nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải thông qua hợp đồng kinh tế ký trực tiếp với UBND các huyện, thành phố. 150.000 đồng là toàn bộ chi phí cho một m3 rác thải thu gom từ các trục đường chính đô thị, các điểm thu rác tập trung, vận chuyển và xử lý tại nhà máy. Riêng phí xử lý là 32.000 đồng, mức giá khá thấp so với nhiều địa phương khác.

Theo hợp đồng, UBND các phường có trách nhiệm tổ chức đội thu gom rác ở các trục đường phụ, hẻm bằng xe đẩy theo giờ nhất định mỗi ngày 2 lần đưa tới các điểm tập trung tại các trục đường chính. Tại đây, Công ty Nam Thành có phương tiện nhận rác thẳng từ xe đẩy, được gọi là qui trình rác "không tiếp đất". Kinh phí hoạt động của các đội thu gom rác  là nguồn phí thu từ các hộ gia đình.

Với 6 phân xưởng, 2 kho, chỉ chiếm chưa đầy 19% diện tích đất nhà máy, công suất  xử lý tối đa 250 tấn rác/ngày, Nam Thành đang được coi là nhà máy xử lý rác hiệu quả nhất so với các nhà máy xử lý rác hiện nay.

Sau khi rác được chuyển về nhà tiếp nhận, bộ phận kỹ thuật sẽ phun các chế phẩm vi sinh phân hủy, vi sinh khử mùi trước khi chuyển đến hệ thống phân loại các chất hữu cơ lớn, hữu cơ nhỏ, nylon và tách đất, cát, xà bần. Những chất không tái xử dụng được đưa đi chôn lấp. Thành phần hữu cơ đưa đến các hầm ủ khoảng từ 25 - 30 ngày, sau đó chuyển đến bãi ủ chín, giảm ẩm và chuyển đến phân xưởng 4 để sản xuất mùn tinh. Phân xưởng 5 là nơi tiếp nhận mùn tinh sản xuất phân hữu cơ vi sinh theo đơn đặt hàng của người tiêu thụ. Thành phần vô cơ (nylon các loại) được chuyển đến phân xưởng 2 để sản xuất hạt nhựa, phôi nhựa, bao bì, gạch cao su, ván cốp pha. Hạt nhựa tiếp tục được ép thành bao bì đựng phân bón do Công ty sản xuất tại phân xưởng 3.

Sau 9 năm hoạt động, mô hình xử lý rác thải của Công ty Nam Thành đã thu được những kết quả đáng kể. Hiện nay, do nguồn rác đưa về hàng ngày từ 170 - 200 tấn , công suất của nhà máy đạt khoảng 80%. Doanh thu của Công ty liên tục tăng. Đặc biệt từ  năm 2009 đến năm 2011, đã tăng từ 20 tỷ đồng lên 31 tỷ đồng. Mức thu nhập bình quân của 396 cán bộ, công nhân, viên chức của Công ty là 3,9 triệu đồng/người/tháng.

Điều đáng nói là kể từ khi Công ty Nam Thành lo việc thu gom, xử lý rác, UBND tỉnh Ninh Thuận không còn phải chi tiền cho các hoạt động của bộ máy quản lý, chi đầu tư xử lý môi trường bãi chôn lấp, đầu tư trang thiết bị và bãi chôn lấp khi phải mở rộng địa bàn thu gom như khi công tác này còn thuộc Công ty Công trình đô thị. Trong khi đó, Công ty Nam Thành đã mở rộng việc thu gom, xử lý rác thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, ra các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Bắc, Ninh Sơn, nâng tỷ lệ thu gom rác lên 92%. Hiện chỉ còn một huyện miền núi, mật độ dân số thấp chưa đưa vào phạm vi hoạt động của Công ty. Nhờ đó, diện tích đất dành cho chôn lấp và xử lý rác giảm từ 27 ha trước đây xuống còn 5,2ha cho xây dựng nhà máy và 3 ha cho chôn lấp rác thải vô cơ. Mô hình này còn chấm dứt được tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác thải trung chuyển trong thành phố, cũng như các bãi chôn lấp rác gần thành phố, các huyện; giải được bài toán nan giải ô nhiễm rác thải đang phổ biến ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Nguồn: monre.gov.vn