TP. Hà Nội: Gỡ vướng ô nhiễm môi trường làng nghề

Cập nhật: 17/02/2012
Ô nhiễm làng nghề Hà Nội đang là mối đe dọa tới môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng dân cư và đến sự tồn tại, phát triển của chính các làng nghề. TP. Hà Nội đã và đang có những động thái tích cực nhằm giảm thiểu ô nhiễm ở các làng nghề.

Gia tăng ô nhiễm

Theo đánh giá của Tổ chức Jica - Nhật Bản, TP. Hà Nội hiện có tới 47 nghề trên tổng số 52 nghề của toàn quốc với hàng chục nhóm ngành nghề đang phát triển mạnh như: Gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, khảm trai, sơn mài, mây tre đan, dát vàng bạc quý, đúc đồng, chế biến nông sản, cơ khí ...

Bên cạnh mặt tích cực, sự phát triển hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã gây ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân. Qua một số kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, chất lượng nước thải các làng nghề trên địa bàn Hà Nội những năm qua, mức độ ô nhiễm không giảm mà có xu hướng tăng lên. Ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nước mặt nhiều nơi có hàm lượng COD, BOD5, NH4+, Coliform vượt hàng chục lần đến hàng trăm lần QCVN, nước mặt ở các làng nghề dệt nhuộm cũng bị ô nhiễm nặng hàm lượng COD cao hơn QCVN 2-3 lần, BOD5 cao hơn 1,5 - 2,5 lần. Theo các số liệu quan trắc của Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp gần đây, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép. Nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây tre giang và chế biến nông sản thực phẩm cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Đáng chú ý, tại làng nghề làm bún Phú Đô (Mễ Trì - Từ Liêm), hàm lượng BOD trong nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3 - 4 lần, cặn lơ lửng, chất hữu cơ, Nitơ, phốt pho trong nước thải rất cao.  Không chỉ nguồn nước thải mà các chỉ số ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Tại các làng nghề gỗ Vân Hà và Liên Hà, hàm lượng các chất hữu cơ dễ bay hơi cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 - 5 lần, nhiệt độ ở làng gốm Bát Tràng cao hơn xung quanh từ 1,5 - 30oC; hai làng nghề Xuân Phương và Dục Tú tiếng ồn cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 - 4 lần...

Từng bước gỡ vướng….

Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cần phải có bước đi và lộ trình phù hợp. Trước mắt, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì xây dựng 2 cơ chế "Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn thành phố" và "Quy định quản lý môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố" . Ngoài ra, Sở Công Thương đang gấp rút hoàn thiện "Quy hoạch tổng thể phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030", báo cáo UBND thành phố phê duyệt.

 Trên cơ sở dự thảo Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020, dự kiến diện tích đất dành cho phát triển cụm công nghiệp là 2.580ha/55 cụm, đất dành cho phát triển cụm công nghiệp làng nghề là 1.424 ha/149 cụm. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai xây dựng: 47 cụm công nghiệp, với diện tích 2.648,9 ha (bằng 102,5 diện tích dự kiến Quy hoạch); 56 cụm công nghiệp làng nghề, với diện tích 517,7 ha (bằng 36,4 diện tích dự kiến Quy hoạch); thu hút  tổng số 2.361 dự án đầu tư.

Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn triển khai các giải pháp giúp làng nghề khắc phục tình trạng ô nhiễm         như : Xử lý nước thải quy mô hộ gia đình, giảm tiếng ồn từ các phương tiện sản xuất bằng máy móc; xây dựng các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làng nghề ở ngoài khu dân cư; triển khai dự án trình diễn mô hình quản lý môi trường cho làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (Thanh Oai) có sự tham gia của cộng đồng trong khuôn khổ Dự án Quản lý Nhà nước về môi trường cấp tỉnh (VPEG) - Dự án hợp tác song phương Việt Nam - Canađa; xây dựng mô hình xử lý bụi chà gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà (Đông Anh)…

Mục tiêu phấn đấu trong một vài năm tới, TP. Hà Nội đạt chỉ tiêu 100% làng nghề có quy chế quản lý môi trường; hoàn thành việc xây dựng thí điểm 1 dự án xử lý nước thải ở một làng nghề. Quy hoạch để đưa các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường lớn tại các làng nghề ra khu sản xuất tập trung.

Nguồn: monre.gov.vn