Đồ án quy hoạch Hà Nội đến năm 2050 đã được đưa ra để lấy ý kiến người dân Thủ đô và được trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 31 vừa diễn ra tại Hà Nội. Vấn đề được dư luận quan tâm là làm thế nào để quy hoạch mà vẫn giữ được nét đẹp di sản của thủ đô Hà Nội? Giải bài toán xung đột này là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu văn hóa.
Ưu tiên không gian xanh, không gian văn hóa
Đậm đặc di tích, phong phú làng nghề, đa dạng không gian văn hóa - đây là những yếu tố góp phần lôi cuốn nhiều du khách đến với Hà Nội ngàn năm văn hiến. Thế nhưng đây cũng chính là thách thức rất lớn của các nhà quy hoạch khi xây dựng đồ án Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo quy hoạch, cấu trúc đô thị Hà Nội trong tương lai sẽ được xây dựng dựa trên các yếu tố phát triển bền vững là kết hợp nối mạng đa cực, đa trung tâm, đa tầng bậc. Như vậy, Hà Nội sẽ bao gồm đô thị hạt nhân và 5 đô thị vệ tinh xung quanh. Trong đó, thành phố lõi lịch sử được kiểm soát bảo tồn nghiêm ngặt các di sản văn hóa Thăng Long cổ và lối sống truyền thống người Hà Nội.
Theo phương án này, phía Bắc có Sóc Sơn, phía Nam có Phú Minh, Phú Sơn, phía Tây có Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai… Nhưng theo thống kê, các “khu vực kề cận” này có hơn 3 triệu dân số làm nông nghiệp, do đó cần phát triển “hạt nhân trung tâm” để phát triển cho đồng đều gắn với phát triển kinh tế tập trung. Theo quy hoạch đến năm 2050, Hà Nội sẽ có khoảng 10,8 triệu dân, trong đó có 2,9 triệu dân làm nông nghiệp, nghĩa là dân số nông nghiệp sẽ giảm dần với 5 "vệ tinh" sẽ phát triển các ngành công nghiệp để hỗ trợ phát triển kinh tế. Bằng việc phát triển đồng bộ cơ sở sản xuất, nhà ở, công trình công cộng chia sẻ với thành phố trung tâm gánh nặng, giảm sức ép với “khu vực lõi". Ngoài ra, còn có vai trò kết nối giao thông với trung tâm. Việc phát triển các đô thị sinh thái sẽ có tác dụng hỗ trợ phát triển “tam nông” và tạo quỹ đất xanh, tránh đô thị hóa. Vấn đề “Hành lang xanh” bao gồm khu vực sông Tích và sông Đáy. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phát triển theo tỷ lệ 70/30, trong đó 70 là diện tích phát triển cây xanh, 30 là diện tích dành để phát triển đô thị. Điều đó tạo sự đặc trưng cho Hà Nội về “cây xanh, mặt nước và văn hóa”. Việc phát triển “khu vực lõi” phải gắn với bảo tồn phố cổ, hồ Tây, hồ Gươm, các thành cổ...
Một trong những mục tiêu chính của đề án quy hoạch Hà Nội là phải xây dựng hình ảnh của Hà Nội là một đô thị lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng, phát triển và bảo tồn được đặc thù riêng của Hà Nội. Trên tinh thần đó, các nhà quy hoạch đề ra tiêu chí quy hoạch là: xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Như thế, yếu tố không gian xanh, không gian văn hóa, bảo tồn di sản đã được ưu tiên. Vấn đề quy hoạch và bảo tồn di sản văn hóa ở thủ đô Hà Nội là vấn đề lớn, được dư luận hết sức quan tâm.
Phát triển Hà Nội đi đôi với bảo tồn di sản
Tại cuộc tọa đàm về quy hoạch và bảo tồn di sản văn hóa ở thủ đô Hà Nội do báo Đại Đoàn Kết tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội nhấn mạnh: việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể ở Hà Nội phải song hành với việc bảo tồn cảnh quan nếu không sẽ làm mất "cảm xúc" về khu di tích. Trường hợp di sản văn hóa vật thể ở khu di tích hoàng thành Thăng Long trong quy hoạch chung của Thủ đô chỉ là một điểm trong hệ thống di tích cần được bảo vệ. Vòng ngoài kinh thành Thăng Long cơ bản không thay đổi. Vòng trong có những thay đổi theo thời gian, tùy từng thời kỳ lịch sử mà thay đổi nhiều hay ít. Vòng ba tồn tại kiến trúc tương đương thời nhà Nguyễn xây dựng. Khu di tích hiện tại chỉ bằng 1/50 của cấm thành Thăng Long cũ. Trục chính tâm còn tương đối rõ. Khi khai quật phát hiện nhiều dấu tích của các triều đại khác nhau. Trong hồ sơ báo cáo UNESCO, khu vực này đạt 3 trên 6 tiêu chí quan trọng. Hoàng thành có quá trình phát triển gắn với từng giai đoạn lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hoàng thành có niên đại trên 1.300 năm. Các di vật đều nằm ở độ sâu 1,5 – 2m nhiều nơi có độ sâu đến 4m. Việc bảo tồn khu di tích được Chính phủ ưu tiên quan tâm từ nhiều năm nay, tuy nhiên việc bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn như: khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, các mạch nước ngầm trong lòng đất có di tích. Nếu làm nhà mái che sẽ làm di vật nằm sâu trong lòng đất xuống cấp dần. Hiện trung tâm đang trưng cầu ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước để bảo tồn.
Sự phát triển của kinh tế thị trường đã và đang là sức ép cho việc bảo tồn di sản ở Hà Nội, nhất là ở khu phố cổ và khu phố cũ. Đó là điều mà bà Đỗ Tú Lan - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng trăn trở. Riêng việc bảo tồn khu phố cổ cũng gặp nhiều khó khăn do điều kiện sinh sống của cư dân nơi đây, do đó việc bảo tồn cần gắn với nâng cao đời sống dân cư.
Ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng: quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa là vấn đề rất lớn, không thể giải quyết một sớm một chiều, đặc biệt là cần những người phải thực sự hiểu về di sản. Bảo tồn và phát triển là bài toán xung đột muôn đời, vấn đề là giải quyết bài toán này như thế nào để điều hòa lợi ích của bảo tồn và phát triển. Không bao giờ thỏa mãn được tất cả những lợi ích, mà phải hài hòa từng bên. Các nhà quy hoạch cần xác định rõ vấn đề “trục tâm linh”, để từ đó có những hoạch định chính xác.
Bảo tồn phải có chọn lọc. Đó là điều nhà văn Hoàng Quốc Hải lưu ý những nhà quy hoạch: hiện xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm tập trung rất nhiều vấn đề kiến trúc và văn hóa. Do đó, cần phải bảo tồn, không được đụng đến, đặc biệt là không xây dựng các nhà cao tầng bao quanh khu vực. Ngoài ra, tại Hà Nội còn có khu vực Đường Lâm cổ. Nếu chúng ta muốn bảo tồn cần phải có một Đường Lâm B để giãn dân ra đó, còn Đường Lâm cổ bây giờ chỉ để tham quan. Ngay trường hợp phố cổ của Hà Nội cũng phải như vậy. Hiện nay, các nhà quy hoạch vẫn chưa thấu đáo các vấn đề về văn hóa mà chỉ nghĩ đến tính tiện ích về quy hoạch. Việc giãn dân phố cổ tại Hà Nội phải kèm theo các giải pháp cụ thể về kinh tế vì kinh phí có đủ mới đảm bảo giãn dân để giữ lấy khu phố cổ. Phải bảo tồn một cách có chọn lọc.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ nhiệm Văn phòng Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô nhấn mạnh: một nhiệm vụ rất lớn hiện nay là làm gì để Hà Nội xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trong đó, bảo tồn và phát huy di sản là một vấn đề được quan tâm rất nhiều. Mở rộng Hà Nội và bảo tồn khu phổ cổ, phố cũ, hoàng thành Thăng Long cũng như văn hóa xứ Đoài, làng cổ Đường Lâm... là những vấn đề đã được các nhà quy hoạch tính đến. Sau khi phê duyệt quy hoạch tổng thể sẽ có những dự án nhỏ về nhiều lĩnh vực mà trong đó có quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa cụ thể.
Việc bảo tồn di sản vẫn luôn được nhắc đến mỗi khi có những dự án lớn của đất nước và của Thủ đô. Nhưng giữa lời nói và việc làm vẫn còn một khoảng cách. Chính vì thế, trong tương lai, để quy hoạch và bảo tồn đồng hành với nhau với mục tiêu phát triển Hà Nội nói riêng và xã hội nói chung thì cần nhiều hơn nữa những cuộc gặp gỡ giữa các nhà quy hoạch và các nhà nghiên cứu văn hóa, những người làm bảo tồn di sản như thế này. Nếu không vấn đề giữa quy hoạch và bảo tồn mãi mãi là bài toán không có lời giải.