Thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng

Cập nhật: 08/02/2012
Ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng. Theo đó, sẽ tổ chức thực hiện thí điểm chia sẻ lợi ích tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định và vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Mục đích của việc thí điểm là tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chia sẻ lợi ích, quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý các khu rừng đặc dụng với cộng đồng địa phương theo nguyên tắc đồng quản lý nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống ở trong khu rừng đặc dụng và vùng đệm khu rừng đặc dụng.

Lợi ích được chia sẻ gồm: Nông, lâm, thủy sản trong các khu rừng đặc dụng.

Việc chia sẻ lợi ích phải đảm bảo sự thỏa thuận trực tiếp và tự nguyện giữa Ban quản lý khu rừng đặc dụng với cộng đồng dân cư thôn thông qua đại diện hợp pháp là Hội đồng quản lý; công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, phải gắn trách nhiệm của các bên với lợi ích được chia sẻ.

Hơn nữa, việc khai thác, sử dụng những lợi ích được chia sẻ phải không làm ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu bảo tồn của rừng đặc dụng. Chỉ các bên tham gia vào thỏa thuận, thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định trong thỏa thuận mới được chia sẻ lợi ích.

 

Hội đồng quản lý gồm ít nhất 5 thành viên đại diện cho các bên có liên quan

Theo quyết định, Hội đồng quản lý gồm: Đại diện của Ban quản lý khu rừng đặc dụng, cộng đồng dân cư thôn, Hạt Kiểm lâm khu rừng đặc dụng hoặc Hạt Kiểm lâm huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện chính sách thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng.

Hội đồng quản lý có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền tổ chức lập Thỏa thuận chia sẻ lợi ích, quản lý, giám sát thực hiện chính sách thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng. Tùy theo điều kiện cụ thể, một khu rừng đặc dụng có thể có một hoặc nhiều Hội đồng quản lý.

Hội đồng quản lý gồm ít nhất 5 thành viên đại diện cho các bên có liên quan. Chủ tịch Hội đồng quản lý là Giám đốc khu rừng đặc dụng. Sau 1 năm thực hiện thí điểm, Hội đồng quản lý tổ chức bầu lại các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý.

Ban Quản lý khu rừng đặc dụng sẽ chủ trì, phối hợp với Hội đồng quản lý xây dựng phương án chia sẻ lợi ích, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Thỏa thuận chia sẻ lợi ích là văn bản thể hiện sự thống nhất của Hội đồng quản lý về trách nhiệm, quyền lợi của các bên tham gia. Nội dung chủ yếu của Thỏa thuận gồm: 1- Danh sách thành viên Hội đồng quản lý, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình và cá nhân tham gia; 2- Phương án chia sẻ lợi ích; 3- Quyền và trách nhiệm của các bên liên quan; 4- Giải quyết tranh chấp; 5- Các vấn đề khác có liên quan.

 

Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân tham gia thỏa thuận

Cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân có quyền được khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, nuôi trồng các loài động vật, thực vật tại danh mục các loài được phép khai thác, sử dụng, nuôi trồng được quy định trong thỏa thuận; tham gia, thực hiện thỏa thuận và đề xuất ý kiến với Hội đồng quản lý; được bồi dưỡng các kiến thức về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững rừng đặc dụng.

Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện đúng phương án, thỏa thuận chia sẻ lợi ích; các biện pháp bảo vệ rừng và phát triển rừng đặc dụng theo quy định của  pháp luật; thông báo kịp thời cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng những hành vi vi phạm, thông tin về nguồn tài nguyên, những loài phát hiện mới; thông tin kịp thời, ngăn chặn hoặc tham gia việc ngăn chặn những đối tượng có hành vi xâm hại, khai thác trái pháp luật tài nguyên rừng đặc dụng.

Cộng đồng cư dân thôn, hộ gia đình cá nhân cư trú hợp pháp trong khu rừng đặc dụng và và vùng đệm của khu rừng đặc dụng có nhu cầu tham gia chia sẻ lợi ích đăng ký với Hội đồng quản lý.

Quyết định 126/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/2/2012 đến hết ngày 31/12/2013.

Nguồn: Chinhphu.vn