Kinh tế Xanh: Mở ra con đường phát triển bền vững

Cập nhật: 23/02/2012
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Kinh tế Xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nói một cách đơn giản, nền Kinh tế Xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội.

Trong khi tài nguyên trên thế giới đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn Kinh tế Xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền Kinh tế Xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các-bon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.

14 sáng kiến được các cơ quan Liên hợp quốc thúc đẩy hướng tới nền Kinh tế Xanh như Nông nghiệp thông minh với khí hậu (FAO phát động), Đầu tư công nghệ sạch (WB), Việc làm xanh (ILO), Kinh tế Xanh (UNEP), Giáo dục vì phát triển bền vững (UNESCO), Xanh hoá khu vực y tế (WHO), Thị trường công nghệ xanh (WIPO) ,Tiêu chuẩn công nghệ thông tin xanh (ITU), Giải pháp năng lượng xanh (UN WTO), Sản xuất sạch hơn và hiệu quả nguồn tài nguyên (UNEP và UNIDO), Các thành phố và biến đổi khí hậu (UN-HABITAT), Tái chế tàu biển (IMO),… Theo tính toán của UNEP năm 2009, cộng đồng EU và Mỹ đã tạo ra 2 - 3,5 triệu việc làm khi xây dựng các tòa nhà xanh, Trung Quốc tạo nên 10 triệu việc làm trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo với doanh thu 17 tỷ USD/năm. Ngân hàng Thế giới đánh giá nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Kinh tế Xanh như xây dựng, năng lượng, vận tải ở các nước đang phát triển có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 cùng với 100 tỷ USD để thích nghi với biến đổi khí hậu. Những dữ liệu thực tế này cho thấy, gieo mầm Kinh tế Xanh, tạo nên tăng trưởng xanh là chiến lược cho phát triển bền vững ở tương lai.

Nền Kinh tế Xanh phải là nền kinh tế con người là trung tâm trong đó các chính sách tạo ra các nguồn lực mới về tăng trưởng kinh tế bền vững và bình đẳng. Thúc đẩy nền Kinh tế Xanh và cải tổ quản lý môi trường là hai nhân tố căn bản đảm bảo tiến trình phát triển bền vững của mỗi nước nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung.

Hiện tại, kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, công nghệ sản xuất còn lạc hậu... Chuyển đổi mô hình Kinh tế Xanh sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho Việt Nam, các phương hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, với các hoạt động hạn chế các ngành gây ô nhiễm, cơ cấu kinh tế vùng dựa trên các hệ sinh thái, phát triển hàng hóa và dịch vụ môi trường, phát triển năng lượng sạch... Mặt khác, đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ môi trường, đầu tư phát triển một số ngành Kinh tế Xanh mũi nhọn như nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, công nghiệp tái chế, năng lượng sinh học, tái sinh rừng tự nhiên... Lựa chọn nền Kinh tế Xanh là phương án tối ưu cho sự phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, các nỗ lực tăng cường quản lý môi trường ở mỗi quốc gia và trên toàn cầu cần được tiêu chuẩn hoá hơn nữa để tăng cường hiệu quả trên thực tế. Công bằng xã hội và khắc phục những hiểm họa môi trường là hai tiến trình không thể tách rời trong Chương trình Nghị sự của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

Các hoạt động quốc tế kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm 2012 (với chủ đề: “Kinh tế Xanh: Bao gồm tất cả chúng ta?”) và Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Hội nghị Rio+20) sẽ được tổ chức tháng 6 tại Rio de Janeiro, Brasil với hy vọng sẽ giải quyết hai nội dung bao trùm là đề Kinh tế Xanh và các khuôn khổ thể chế cho sự phát triển bền vững.

Nguồn: vea.gov.vn