Bảo vệ môi trường và Đạo Phật ở Việt Nam – Bài 1. Những thông điệp chung

Cập nhật: 14/03/2012
Theo quan niệm của Phật giáo bảo vệ và cải thiện môi trường là một việc làm tất yếu của Nhà Phật.

  1.Năm 2005 theo thống kê của Ban Tôn giáo chính phủ Việt Nam có gần 10 triệu tín đồ Phật giáo, còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y tam bảo, có 839 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.500 tăng ni, hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, Phật giáo có hơn 6,8 triệu tín đồ (chiếm 43,5%),  riêng Phật giáo Hòa Hảo có hơn 1,4 triệu tín đồ (chiếm 9,2%). Tuy nhiên còn phải kể đến một lượng rất đông người Việt tuy không xuất gia hay không phải là Phật Tử nhưng rất ngưỡng mộ Đạo Phật và có thói quen vãn cảnh chùa vào những dịp thuận tiện (đầu xuân, rằm và mồng 1 âm lịch hàng tháng). Hầu hết làng quê Việt Nam đều có chùa làng. Chùa làng, các vị sư và chú tiểu là những nhân vật biểu tượng của nhân hậu và từ bi trong nghệ thuật  chèo – một loại hình nghệ thuật dân gian gắn chặt với đời sống làng quê của cộng đồng người Việt. Trên 16 thế kỷ có mặt tại Việt Nam, giáo lý Phật giáo đã lan tỏa sâu rộng và tạo ra bản sắc riêng trong lòng dân tộc.

2.Trong quan điểm của đạo Phật, môi trường là một trong những yếu tố bất khả phân ly đối với sự sống. Giữa môi trường và sự sống của con người luôn có mối quan hệ gắn bó khăng khít, bền chặt, cái này sinh cái kia, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia cũng không (nguyên lí Chân không Diệu hữu và Nguyên lí Cơ duyên). Do đó, đạo Phật coi bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người, vì môi trường chính là sự sống của tất cả mọi người.

 Trong cách nhìn của đạo Phật đối với vấn đề môi trường, có ba nguyên nhân căn bản dẫn tới môi trường hiện nay đang bị ô nhiễm trên phạm vi toàn cầu: (i) do lòng tham của con người, (ii) do thiếu ý thức và (iii) do chiến tranh. Lòng tham của con người được biểu hiện qua việc phát triển không bền vững, chạy theo lợi nhuận, sản xuất, kinh doanh, tích lũy và tiêu xài của cải quá mức, nhưng không tính đến các yếu chịu đựng của môi trường. Ý thức của con người thể hiện ở những hành vi thiếu trách nhiệm với những tài sản chung trong đó có những tài sản thiên nhiên vốn là cái nôi của sự sống, chỉ biết đến mình, chỉ biết nói nhưng lại không biết làm. Còn chiến tranh thì hậu quả luôn hết sức nặng nề, đặc biệt trong những cuộc chiến sử dụng vũ khí hóa học, sinh học tận diệt con người và môi trường, có thể gây hậu quả tới hàng trăm năm.

 

Do đó, theo quan niệm của Phật giáo việc cải thiện môi trường là một việc làm tất yếu của Nhà Phật trong đó trước tiên là “phải chuyển hết cho mọi người bức thông điệp lý duyên khởi của đạo Phật, để mọi người thấy được mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa chúng ta và môi trường” (Thích Thiện Thông, Đạo Phật với việc bảo vệ môi trường,http://daitangkinhvietnam.org/phat-giao-va-doi-song/van-hoa-giac-duc/5072-dao-phat-voi-viec-bao-ve-moi-truong.html). Để có thể thay đổi được hành vi của con người với môi trường theo quan niệm của đạo Phật cần phải giảm bớt lòng tham lam, ích kỷ của con người, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, khuyến khích các Phật tử và mọi người sống văn minh, lành mạnh và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt cần phải phổ cập đời sống gần gũi với thiên nhiên của Đức Phật với mọi người…

 

 3.Trong các cộng đồng tôn giáo nói chung và Phật giáo Việt nam nói riêng, các chức sắc tôn giáo là những người có vai trò hết sức quan trọng, có nhiều ảnh hưởng tới nhận thức, thái độ, hành vi của những người theo tôn giáo. Mặt khác, cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo luôn đề cao tới các hoạt động mang tính xã hội đặc biệt là các hoạt động từ thiện, giáo dục, y tế, chống lạm sát, bảo vệ rừng,…do vậy việc huy động sự tham gia của các tổ chức Phật giáo đối với hoạt động bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết và có những cơ sở thực tiễn sẽ mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, huy động sự tham gia của các tổ chức Phật giáo vào các hoạt động bảo vệ môi trường cũng là một hoạt động thể hiện chính sách của Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động và có những đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

 

 4.Trên thế giới và ở nước ta, mô hình Phật giáo tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường đã được chứng minh mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong nhiều năm qua các tổ chức Phật giáo tại Việt Nam cũng đã thực hiện hàng loạt các hoạt động về tuyên truyền, giác ngộ nhận thức về mối quan hệ giữa con người và môi trường cho các Phật tử. Phật giáo khuyến khích các tín đồ của mình thường xuyên ăn chay để bảo vệ sức khỏe của bản thân và từ đó góp phần vào bảo vệ môi trường. Rất nhiều phong trào bảo vệ môi trường tại các địa phương có sự tham gia góp sức của các tổ chức Phật giáo. Nhiều hoạt động của các tổ chức Phật giáo đã có sự kết hợp chặt chẽ với vấn đề bảo vệ môi trường.Tại Việt Nam vai trò, mô hình, sáng kiến huy động sự tham gia của các tổ chức Phật giáo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết và có những cơ sở để thành công. Việc chú trọng kết hợp giữa hệ thống giáo lý, lời dạy của Phật giáo với các vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt việc vận dụng phương pháp truyền dạy giáo lý nhà Phật cho các Phật tử kể cả xuất gia và tại gia là những giải pháp quan trọng cần hướng đến để giúp các vấn đề về bảo vệ môi trường có thể tác động nhanh nhất và hiệu quả nhất tới nhận thức, thái độ và cả hành vi của cộng đồng Phật giáo trên cả nước.

 

 5.Chính vì thế, đưa các tiêu chí bảo vệ môi trường vào các sinh hoạt Phật giáo tại cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành động của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Với vai trò của đời sống Phật giáo, sự lan tỏa của các hoạt động bảo vệ môi trường từ hạt nhân các hoạt động sinh hoạt tôn giáo chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi tích cực và mang tính bền vững trong cộng đồng.  Đây cũng chính là nhiệm vụ mà nhóm tác giả đang thực hiện trong năm 2012 theo sự ủy nhiệm của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch./.

Nguồn: Vacne