Dân ca là một bộ phận góp phần làm nên văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc. Dù chỉ là một trong những thành phần nhưng dân ca lại có vị trí vô cùng ý nghĩa đối với việc tạo ra nét riêng biệt, độc đáo, bản sắc của văn hóa.
Nó cũng thường được đem ra giới thiệu đầu tiên với bạn bè và du khách mỗi khi có dịp. Khi đặt vấn đề, dân ca các dân tộc trong phát triển du lịch là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, dân ca vốn dĩ đã có chỗ đứng trong lòng mỗi người dân, mỗi cộng đồng nên sức sống của nó ngày càng sâu bền. Tất nhiên có lúc này, lúc khác không phát triển mạnh, song khi có điều kiện thì lại phát triển và không ngừng lan tỏa sâu rộng. Điều này đã được thực tế chứng minh.
Dễ nhận thấy, trong mấy năm trở lại đây, dân ca xuất hiện trở lại và phát triển mạnh mẽ. Biểu hiện rõ nét là thông qua các sự kiện văn hóa của tỉnh như các dịp lễ kỷ niệm, những chương trình giao lưu văn nghệ chào mừng và đậm nét hơn cả là trong các lễ hội xuân Xứ Lạng. Hầu như, các chương trình văn nghệ đều dành những thời gian xứng đáng cho các tiết mục dân ca. Chính nhờ những hoạt động thiết thực như vậy nên dân ca ngày càng nhận được sự theo dõi, hưởng ứng của mọi người. Dân ca các dân tộc Xứ Lạng xuất hiện nhiều trong thời gian qua chủ yếu là hát then – đàn tính, sli, lượn, và dân ca giao lưu với các địa phương, vùng miền khác… Riêng đối với hát then – đàn tính có thể nói trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang có một phong trào yêu thích, học tập môn nghệ thuật dân tộc độc đáo này. Đáng tự hào hơn, Lạng Sơn mỗi lần tham gia liên hoan nghệ thuật hát then – đàn tính toàn quốc đều giành những giải cao. Đó thực sự là một nguồn cổ vũ động viên to lớn để dân ca nói chung, hát then – đàn tính nói riêng ngày càng phát triển. Mặt khác, sự quan tâm của tỉnh đối với phát triển dân ca cũng hết sức được quan tâm như, nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức các môi trường diễn xướng thích hợp để biểu diễn, thể hiện. Thứ nữa, tỉnh cũng đã thành lập được Câu lạc bộ đàn và hát dân ca tỉnh, Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh. Nhờ đó, các hoạt động bảo tồn và phát huy dân ca các dân tộc được đẩy mạnh, có nhiều hoạt động thiết thực. Qua những lần xuất hiện, du khách gần xa đã biết đến Xứ Lạng là một trong những vùng đất có vốn di sản dân ca phong phú và đa dạng.
Mùa lễ hội xuân Xứ Lạng 2012 vừa qua có những lễ hội nhờ những làn điệu dân ca càng trở nên náo nức hơn, không những thế còn trở thành nét đặc trưng, bản sắc không lẫn vào đâu được. Đơn cử như, lễ hội xuống đồng làng Khòn Lèng, lễ hội đền Vua Lê (thành phố Lạng Sơn) tiêu biểu với các tiết mục hát then – đàn tính hay hát sli, lượn tại ngày hội văn hóa xã Hải Yến (Cao Lộc),… Qua quan sát, khi các tiết mục dân ca được thể hiện đều cuốn hút mọi người, nhất là những du khách từ nơi xa đến. Nhiều người có máy ảnh đã không bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp. Đặc biệt còn thấy có nhiều văn nghệ sỹ nhiếp ảnh xuất hiện sáng tác. Có thể khẳng định, dân ca là một tài nguyên văn hóa quan trọng và càng có ý nghĩa hơn khi nó được phát huy trong các hoạt động du lịch. Chắc chắn đây sẽ là một yếu tố hấp dẫn du khách.
Mới đây, tại cuộc gặp mặt đầu xuân của Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh, giới thiệu quá trình hoạt động của Đội dân ca thể nghiệm Nộc Én, vấn đề biểu diễn dân ca phục vụ cho các hoạt động du lịch, giới thiệu, quảng bá về văn hóa các dân tộc Xứ Lạng cũng được đặt ra. Phát biểu ý kiến, ông Vy Hồng Nhân, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh đã nêu rõ, Đội dân ca Nộc Én được lập ra có tính xung kích, chủ động, năng động, các thành viên có năng khiếu, nhiệt tình, góp phần vào gìn giữ, bảo tồn dân ca của Xứ Lạng. Khi giới thiệu về văn hóa trước hết là dân ca hoặc đi giao lưu với các tỉnh hoặc giới thiệu với du khách đến Xứ Lạng. Rồi đây, đội Nộc Én ngoài việc đi giao lưu, giới thiệu về dân ca, phục vụ các sự kiện còn phải truyền dạy dân ca cho các thế hệ trẻ... Quả thật, khi dân ca trở thành một nội dung trải nghiệm, thưởng thức của du khách đến Xứ Lạng thì thật ý nghĩa. Bởi thông qua đó mỗi du khách càng thêm hiểu, thêm yêu đất và người Xứ Lạng luôn giàu lòng mến khách, chân thành, có nhiều nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Anh Hoàng Việt Bình, Đội trưởng Đội dân ca Nộc Én cho biết, đội cũng đã biểu diễn, giới thiệu dân ca với một số đoàn du khách. Nếu các đoàn du khách có nhu cầu thưởng thức dân ca thì việc huy động các thành viên của đội để biểu diễn cũng rất nhanh chóng và sẵn sàng.
Thiết nghĩ, việc gắn kết giữa dân ca, nghệ thuật truyền thống với các hoạt động du lịch của địa phương là một hướng đi đã được nhiều địa phương vận dụng. Vậy nên, để dân ca có điều kiện phát huy và phát triển cũng như làm cho các hành trình du lịch của tỉnh thêm hấp dẫn thì sự gắn kết, đưa dân ca vào nội dung trải nghiệm, khám phá, thưởng lãm của du khách là rất cần thiết và khả quan. Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị biểu diễn với đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch để dân ca có điều kiện đến gần với du khách hơn, thường xuyên hơn. Cùng với đó, đưa hoạt động dân ca vào là một trong những nội dung trải nghiệm của các điểm đến du lịch./.