Ngày 14/3, cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban điều phối Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia đã diễn ra tại Hà Nội. Tham dự có đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định và ông Akira Shimizu, Phó trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam; cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực này.
Xây cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia
Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban điều phối cho biết, Dự án sẽ phối hợp với nhiều cơ quan liên quan ở Việt Nam xây dựng thế hệ thứ nhất của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học, thông qua việc hợp nhất và phổ biến các thông tin về đa dạng sinh học được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau; chuyển giao công nghệ về phương pháp điều tra có tính hệ thống và xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh cho việc lưu trữ dữ liệu thu thập được; tiến hành chuyển đổi cơ sở dữ liệu hiện có về an toàn sinh học; chia sẻ, quản lý và sử dụng thông tin của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học…
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Phó Giám đốc dự án, Việt Nam là nước có nguồn đa dạng sinh học cực kỳ phong phú, chiếm khoảng 10% các loài sinh vật trên thế giới, trong đó chủ yếu là sinh vật rừng, đó là nơi trú ngụ chủ yếu của đa phần hệ sinh thái lục địa.
Tuy nhiên các thông tin dữ liệu về đa dạng sinh học lại nằm rải rác ở các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học... và nhất là không có các cuộc điều tra mang tính chất hệ thống được tiến hành nhằm quan trắc, đánh giá đa dạng sinh học, gây khó khăn trong đánh giá đa dạng sinh học cấp quốc gia.
Dự án được sự hỗ trợ của Nhật Bản và thực hiện từ tháng 11/2011-3/2015. Nam Định được chọn là tỉnh thí điểm đầu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học.
Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục xây dựng, vận hành, hoàn thiện và phát triển góp phần quản lý thông tin, dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học một cách đồng bộ, thống nhất phục vụ công tác quản lý đa dạng sinh học ở trong thời gian tới./.