Chi trả dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học (ĐDSH) là một hướng tiếp cận mới, được coi là một cơ chế tài chính bền vững cho bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và xóa đói, giảm nghèo.
Công cụ pháp lý tiến bộ
Mặc dù, chi trả dịch vụ môi trường (PES) được đưa vào tư duy và thực tiễn bảo tồn gần chục năm trở lại đây, tuy nhiên, sự phát triển của PES ngày càng được lan rộng và được thể chế hoá trong các văn bản pháp luật. Hiện nay, PES đã nổi lên như một giải pháp chính sách để khuyến khích, chia sẻ các lợi ích trong cộng đồng và xã hội.
Việt Nam là nước tiên phong trong việc xây dựng chính sách và áp dụng thí điểm mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng. Một số văn bản pháp luật đã đề cập đến dịch vụ hệ sinh thái như : Luật Tài nguyên nước (1998), Luật Đất đai (2003), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) và Luật Bảo vệ môi trường (2005) đều thừa nhận, các nhân tố của dịch vụ hệ sinh thái mang lại là bảo tồn ĐDSH , bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và hấp thụ cácbon.
Việt Nam có nền văn hóa lâu đời và phong phú với 54 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa đặc trưng riêng. Những đặc điểm về thiên nhiên và con người này đã tạo cho mỗi vùng miền của Việt Nam những nét độc đáo riêng về phong cảnh - khí hậu - văn hóa sinh hoạt. Vì vậy, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển và áp dụng chi trả dịch vụ môi trường liên quan đến ĐDSH dựa vào tiềm năng của các hệ sinh thái tiêu biểu như rừng, biển và đất ngập nước.
Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng, việc áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường có thể tạo ra các nguồn tài chính bền vững và tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan cho công cuộc bảo vệ rừng bền vững ở Việt Nam. Đồng thời, xây dựng và ban hành Nghị định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ giúp cho Chính phủ và Bộ, ngành có thêm công cụ pháp lý tiến bộ và hữu hiệu, buộc các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ hệ sinh thái rừng phải chi trả cho các dịch vụ đó như là hàng hóa, dựa trên giá trị của chúng và thỏa thuận thị trường.
Cơ chế tài chính bền vững
Trên thực tế, Chương trình Bảo tồn ĐDSH khu vực châu Á đánh giá cao tiềm năng và xây dựng mô hình thí điểm PES rừng ở ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước.
Chương trình thí điểm PES tại Lâm Đồng đã nhận được sự đồng thuận cao của các bên liên quan và hiện nay các Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh đang chi trả khoảng 55 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 hộ dân bảo vệ rừng được hưởng thu nhập bình quân từ 8,1 đến 8,7 triệu đồng/năm, cao gấp ba lần so với thu nhập nhận khoán trước đây để bảo vệ hơn 203 nghìn ha rừng. Nhiều hộ dân làm đơn xin được nhận khoán thêm diện tích rừng để bảo vệ, phát triển. Người dân tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên hơn, đơn vị chủ rừng, hộ nhận khoán rừng và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ hơn. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép ở hai tỉnh đã giảm đáng kể. Lâm Đồng cũng là tỉnh đầu tiên thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và cho đến nay Quỹ đã ký hợp đồng với 768 hộ gia đình với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng để bảo vệ 35.000 ha rừng.
Nhờ thực hiện chính sách trên, giá khoán cũng như diện tích nhận khoán tăng lên, thu nhập bình quân từ tiền nhận khoán rừng của các hộ trong xã Đa Nhim - Lạc Dương (Lâm Đồng) là 8,35 triệu đồng/hộ/năm, cao hơn so với trước đây là 2,3 triệu đồng/hộ/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm còn 15%; số vụ xâm hại rừng giảm 50% so với các năm trước đây.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đã được thực hiện đối với các nhà máy thủy điện và nhà máy nước. Tại Sơn La bên sử dụng dịch vụ được xác định là các nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Suối Sập, Công ty Cấp nước Phù Yên và Công ty Cấp nước Mộc Châu, bên cung cấp dịch vụ là các chủ rừng trên địa bàn 2 huyện thí điểm Mộc Châu và Phù Yên. Mức chi trả của từng Công ty được xác định dựa trên tổng lượng điện/tổng lượng nước kinh doanh hàng năm, trong đó đối với 1Kwh là 20 đồng, 1m3 nước là 30 đồng và bình quân/ha là 100.432 đồng.