Thực vật đặc hữu của Vịnh Hạ Long

Cập nhật: 06/04/2012
Theo thống kê của các nhà khoa học, chỉ riêng nhóm thực vật trên cạn thôi, Vịnh Hạ Long đã có 435 loài, 285 chi, 100 họ thuộc 5 ngành thực vật. Trong đó có 7 loài là thực vật đặc hữu, chỉ có ở Vịnh Hạ Long.

Nằm trong nhóm có số lượng nhiều nhất là Phất dụ núi. Loài cây đặc hữu này thường mọc thành từng quần thể, sát mép nước, cheo leo trên vách đá hay đỉnh núi và có ở hầu hết các đảo đá trên Vịnh Hạ Long.

 

Phất dụ núi nở hoa vào đầu mùa hè, màu vàng tươi, rực rỡ. Có những cây già cỗi cỡ trăm năm tuổi, rễ cuồn cuộn luồn sâu vào khe núi.

Khác với Phất dụ núi sống theo quần thể, một loài thực vật đặc hữu khác của Hạ Long là Thiên tuế thường sống độc lập. Chúng mọc cheo leo trên vách đá rất chắc chắn.

 

 

Nhắc đến thực vật đặc hữu không thể không nói tới Cọ Hạ Long. Loài này ưa độ cao, đa số mọc ở đỉnh núi đá, cây cao nhất đến 15m. Cọ Hạ Long ra hoa vào đầu hè, phân bố ở khu vực Cửa Vạn, Soi Sim, khu vực Cát Bà… Cọ Hạ Long là một trong số ít loài có thể nhân giống được.

 

 

Nhẹ nhàng và khiêm tốn hơn, Khổ cử đại tím thường mọc thành từng đám nhỏ trên đỉnh núi, hay vách đá. Loài này ra hoa vào tháng 3. Hoa có màu trắng, đài hoa màu tím.

 

 

Để chịu được khí hậu và điều kiện sống khắc nghiệt, hầu hết các loài thực vật ở Vịnh Hạ Long đều phát triển mạnh bộ rễ. Chúng không chỉ giúp cây bám chắc vào núi đá, chống chọi trước gió bão, mà còn len lỏi sâu vào khe đá hút nước.

 

 

Thật kỳ lạ. Giữa những khe đá khô cằn, những chồi non khoẻ khoắn vẫn vươn lên, như một sự tiếp nối bất tận của tự nhiên.

Nguồn: baoquangninh.com.vn