Đà Nẵng - đô thị vì dân

Cập nhật: 12/04/2012
“Thành phố môi trường”,“Chính quyền đô thị” hay “Thành phố đáng sống” là những mục tiêu mà đảng bộ, chính quyền và người dân TP. Đà Nẵng đang nổ lực hết mình phấn đấu.

Người dân thành phố hay du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng đều cảm nhận sự đổi thay từng ngày, từng giờ của thành phố trẻ đầy năng động này qua cảnh quan độ thị với những con đường mới khang trang, những cây cầu hiện đại vươn mình bên bờ sông Hàn. Điều đáng nói là sự phát triển của TP. Đà Nẵng luôn gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Các chính sách an sinh xã hội hướng về người nghèo, đối tượng chính sách đã tạo được niềm tin trong nhân dân.

 “Thành phố môi trường” không chỉ xanh - sạch - đẹp một cách cơ học mà Đà Nẵng đã và đang hướng đến “Thành phố 5 không - 3 có” đầy tính nhân văn. Nghĩa là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang ăn xin, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của và có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị.

 Trọng dụng nhân tài, bố trí, phân công đúng người, đúng việc đã cho thấy tư duy đổi mới trong công tác cán bộ của thành phố. Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng cho rằng, cách làm như vậy cũng tạo cho các em động lực học tập, phấn đấu đạt thứ hạng cao, lựa chọn cho mình nơi công tác phù hợp với năng lực, sở trường, hoàn cảnh của mình. Những tiêu cực trong việc phân công công tác như những lá thư tay, những cuộc điện thoại gửi gắm cũng đều bị vô hiệu hóa trước cách làm, cách phân công theo thứ hạng học tập.

Nhìn nhận vai trò “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển toàn diện của Đà Nẵng trong tương lai, mỗi năm TP. Đà Nẵng đầu tư 60 - 70 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ trẻ đi đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước. Đến nay, 44 học viên tốt nghiệp đã chọn 39 phường, xã để bắt đầu nhiệm vụ mới.

Sau thời gian thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở các cấp trung gian, cơ cấu lại tổ chức Hội đồng nhân dân thành phố theo hướng tăng số đại biểu chuyên trách, Đà Nẵng đang đề xuất xây dựng “mô hình chính quyền đô thị” theo hướng quản lý tập trung, thống nhất, bộ máy tinh gọn, hợp lý, tăng cường tính chuyên nghiệp, giải quyết nhanh gọn và hiệu quả công việc của người dân.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng, Huỳnh Nghĩa cho biết, nếu thực hiện mô hình này thì hiệu lực của chính quyền sẽ tốt hơn và quyền giám sát của Hội đồng nhân dân sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Tầng nấc và kinh phí họp hành cấp quận, huyện sẽ giảm đi, tập trung vào sát cơ sở, sát dân; tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và giải quyết kịp thời ý nguyện của nhân dân.

“Thành phố môi trường”, “Chính quyền đô thị” hay “Thành phố đáng sống” - những mục tiêu ấy sẽ không dừng lại ở những khẩu hiệu, nếu thực sự góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Tất cả đang cần sự đồng sức, thuận lòng của Đảng bộ, chính quyền và người dân TP. Đà Nẵng./.

Nguồn: VTR