Là một trong 8 Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) của Việt Nam, Cát Bà được chọn là điểm nghiên cứu tìm kiếm phát hiện những giải pháp thúc đẩy tập quán địa phương sử dụng lâm sản ngoài gỗ (LSNG)5 dựa vào cộng đồng nhằm hướng tới quản lý bền vững các giá trị văn hóa, môi trường, tự nhiên của thế giới.
Khu DTSQ quần đảo Cát Bà là nơi hội tụ các hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam. Do điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn... đặc thù của đảo, Cát Bà đã hình thành kiểu rừng kín lá rộng, thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới với nhiều loài cây gỗ quý như Trai, Trò đãi, Lát hoa, Đinh, Gội Nếp, Kim Giao... và hơn 661 loài cây có khả năng làm thuốc. Ngoài ra, trên vùng đảo này còn có một số kiểu rừng độc đáo khác như rừng ngập nước ngọt trên núi đá vôi và rừng ngập mặn.
Khu DTSQ quần đảo Cát Bà khá phong phú về các loài LSNG có giá trị như các loài Phong lan, Lộc vừng, Sâm rừng, Dây thuốc máu, Ba kích, Kim ngân, Don, Nhím, Cầy, Ong mật… Những loài LSNG này liên quan mật thiết với đời sống cộng đồng người dân địa phương. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng LSNG ngày càng lớn, không chỉ phục vụ đời sống của cộng đồng địa phương mà còn là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng trên thị trường. Việc khai thác LSNG chủ yếu từ rừng tự nhiên, mức độ khai thác sử dụng lớn dẫn đến nguồn tài nguyên này đang bị cạn kiệt, làm cho giá trị đa dạng sinh học của khu DTSQ này bị suy giảm nhanh chóng.
Thực trạng tiềm năng và khai thác LSNG tại Cát Bà
Cây LSNG tại Cát Bà rất đa dạng và phong phú gồm 796 loài, thuộc 157 họ, 5 ngành; trong đó có 536 loài thuộc nhóm cây làm thuốc (chiếm 67,3%), tiếp đến là cây làm thực phẩm 219 loài (chiếm 27,5%), cây làm cảnh 201 loài (chiếm 25,3%), cây cho sản phẩm chiết xuất nhựa 33 loài (chiếm 4%) và cây nguyên liệu, hàng mỹ nghệ 28 loài (chiếm 3,5%).
Hiện nay, do tình trạng khai thác quá mức, khai thác không bền vững và khai thác với mục đích buôn bán kinh doanh, cây LSNG ở những khu vực gần khu dân cư không còn nữa và ngày càng cạn kiệt khiến cho người dân vào những khu rừng cấm để khai thác. Theo Báo cáo của Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Bà, chỉ tính từ năm 2005 - 2009, trong số 178 vụ vi phạm lâm luật, đã có tới 88 vụ vi phạm về khai thác gỗ và LSNG, thu giữ tổng cộng 45 cây cảnh các loại (Lộc vừng, Sung, Si, Đa, Ruối, Thang bà…), 134 kg Phong lan, 390 kg măng tre, 30 kg quả Sấu, 520 kg Trầm chuỗi guộc, 1.04 m3 gỗ và 78 cây cột chống keo, cùng nhiều loại LSNG khác như: Xạ đen, Thuốc máu, quả Ké, quả Mần thiên...
Tri thức của người dân địa phương trong sử dụng tài nguyên
Cây LSNG được phân bố ở mọi tầng tán của rừng. Về hình thái thân cây, cây LSNG cũng hết sức đa dạng, từ dạng thân gỗ đơn trục, đứng thẳng đến dạng thân bụi hoặc có thân chính rõ rệt dạng cau dừa và dạng gỗ có lõi rỗng, dạng tre nứa, hoặc dạng dây leo hóa gỗ như Song, Mây, Tầm gửi…
Kết quả nghiên cứu cho thấy, với một loại cây LSNG có thể cho nhiều sản phẩm và một sản phẩm có nhiều công dụng khác nhau. Ví dụ một số cây hoặc sản phẩm của chúng đồng thời có nhiều công dụng khác nhau như cây Me, Sung, Đào, Chè đắng, Mò đỏ có thể được sử dụng làm thuốc, thực phẩm hoặc làm cảnh. Chính vì vậy, trong quá trình thống kê danh mục cây LSNG theo công dụng có một số cây được thống kê ở nhiều nhóm công dụng khác nhau.
Cây LSNG đóng một vai trò quan trọng trong sinh kế của người nghèo ở nông thôn. Chúng là nguồn lương thực, thuốc men, vật liệu xây dựng và thu nhập cho đại đa số người dân địa phương. Việc tiếp cận với tài nguyên rừng, đặc biệt là các sản phẩm từ cây LSNG giúp các hộ dân đa dạng hóa sinh kế của họ và giảm khả năng hứng chịu những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp do thời tiết xấu. Cây LSNG không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày mà còn mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao cho một số gia đình của địa phương. Tại đảo Cát Bà, một số cây LSNG đã mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân như Măng tre 30 - 40 triệu đồng/năm; quả Sấu 15 triệu đồng/năm; cây Xạ đen 20 - 25 triệu đồng/năm; cây Thuốc máu 10 - 15 triệu đồng/năm...
Một số loài cây LSNG được người dân cho là có giá trị kinh tế cao và được sử dụng nhiều hiện nay gồm cây Xạ đen, Thuốc máu, Rau sắng, Lộc vừng, Khôi tía, Kim ngân, Bò khai, Mắc mật, Quất hồng bì, Nhân trần, Bình vôi… Tuy nhiên, những loài cây LSNG có giá trị này đang có xu hướng suy thoái do việc khai thác quá mức với mục đích thương mại. Mỗi loài cây LSNG đều có thời gian khai thác và gây trồng khác nhau. Mặc dù vậy, người dân địa phương chưa thực sự quan tâm về vấn đề gây trồng các loài cây LSNG tại vườn nhà mình, bởi họ còn có thể khai thác được những sản phẩm này ngoài tự nhiên. Đặc biệt, cây Xạ đen có nhiều công dụng chữa bệnh, được thu mua với giá cao và là cây LSNG đặc sản của Cát Bà. Những tri thức về trồng, hái, các bài thuốc chữa bệnh của loài cây này còn chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn, cây LSNG đều do người dân ở địa phương khác đến thu mua dưới dạng thô hoặc đã qua chế biến, sau đó vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Bên cạnh đó, cây LSNG còn đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì một nền văn hóa truyền thống và kiến thức bản địa lâu đời của người dân trên đảo Cát Bà như kinh nghiệm khai thác, sử dụng một số loài cây: Xạ đen, Thuốc máu, Mắc mật, nhằm phục vụ cuộc sống hàng ngày như làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh thông thường và một số bệnh khác. Chính vì thế, một số bài thuốc cổ truyền dân gian vẫn được lưu truyền đến bây giờ. Đây có thể xem như một vốn tri thức bản địa rất cần được khuyến khích. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế chia sẻ lợi ích trong việc sử dụng bền vững và bảo tồn các loài cây LSNG tại Khu DTSQ Cát Bà nên những hoạt động khai thác cây LSNG của người dân địa phương đều bị hạn chế bởi lực lượng quản lý bảo vệ, điều này đã ngăn cản việc sử dụng cây LSNG lâu đời của người dân địa phương. Vì vậy, những hành động khai thác của người dân đều trái phép dẫn đến phương thức khai thác không bền vững làm cho một số loài cây LSNG trên đảo Cát Bà đang ngày một ít đi và có nguy cơ bị cạn kiệt nếu không có những biện pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát triển các loài cây LSNG tại Khu DTSQ quần đảo Cát Bà.
Kiến nghị và đề xuất
Dựa trên những phát hiện nêu trên, nhóm nghiên cứu xin đề xuất một số nội dung sau:
Cần sớm xây dựng và ban hành một cơ chế chia sẻ lợi ích trong việc sử dụng bền vững và bảo tồn hiệu quả cây LSNG tại Khu DTSQ Cát Bà.
Do những bất cập về cơ chế chính sách của Nhà nước về quyền hưởng lợi từ cây LSNG của người dân; do việc quản lý của lực lượng chức năng chưa thật sự mang lại hiệu quả và bảo tồn hiệu quả tài nguyên cây LSNG tại đảo Cát Bà. Vì vậy, cần có một cơ chế chia sẻ lợi ích trong việc sử dụng bền vững và bảo tồn hiệu quả cây LSNG tại Khu DTSQ Cát Bà để làm căn cứ pháp lý và công cụ giải quyết mâu thuẫn giữa sử dụng tài nguyên rừng của người dân địa phương với bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học ở vùng lõi của Khu DTSQ Cát Bà. Đề xuất này bước đầu tìm ra một cơ chế chia sẻ lợi ích để xây dựng một cơ chế đồng thuận và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quản lý cây LSNG nhằm bảo tồn hiệu quả tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, đồng thời cải thiện chức năng về các dịch vụ môi trường của Khu DTSQ Cát Bà. Sáng kiến từ nghiên cứu này sẽ cung cấp thêm bằng chứng về đồng quản lý cho hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.
Tạo sinh kế lâu dài cho người dân địa phương bằng các sản phẩm từ cây LSNG.
Nghiên cứu và hỗ trợ triển khai gây trồng một số loài cây LSNG có giá trị kinh tế cao như cây Xạ đen, cây Thuốc máu… cho hộ gia đình sống dựa vào tài nguyên rừng ở Khu DTSQ Cát Bà trên diện tích đất rừng có sẵn của hộ dân thông qua việc xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật, từ đó nhân rộng ra toàn Khu DTSQ.
Thiết kế và thực hiện các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng
Việc khai thác sử dụng LSNG ở địa phương còn mang tính tự phát, thiếu căn cứ lâu dài. Với mục đích tạo hướng làm ăn ổn định cho người dân, cần tăng cường nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của các loài cây LSNG trong đời sống và những lợi ích từ việc bảo tồn và phát triển các loài cây LSNG.
Chỉ có thể thực hiện đồng bộ các giải pháp trên mới làm cho người dân sống hài hòa với thiên nhiên và sống no đủ trên mảnh đất của chính mình để họ thực sự là người chủ bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá không chỉ của Việt Nam mà còn của nhân loại - Khu DTSQ thế giới Cát Bà.