Thông điệp này được đưa ra tại triển lãm “Phong cảnh sông nước đang biến đổi” (Rivers in flux), nằm trong chuỗi hoạt động thuộc Dự án nghệ thuật văn hóa sinh thái quốc tế về phong cảnh sông nước Đông Nam Á do Viện Goethe Hà Nội tổ chức, khai mạc tối 12/4 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Theo tiến sỹ Meyer Zollitsch, Giám đốc Viện Goethe Việt Nam, Đông Nam Á được đánh giá là vùng có cảnh quan sông nước lớn nhất trên thế giới. Từ Sông Hồng và sông Mê Kông (Việt Nam), tới sông Chao Praya (Thái Lan), sông Irrawaddy (Myanmar), các con sông ở Đông Nam Á đã tạo nên đặc trưng phong cảnh không lẫn với bất kỳ khu vực nào trên trái đất.
Những con sông giống như mạch sống và các con đường phát triển vươn tới các vùng kinh tế và hệ sinh thái thiết yếu. Giao thông đường thủy không chỉ đảm bảo cho việc sản xuất lương thực và cung cấp năng lượng cho người dân địa phương mà còn cho một khu vực rộng lớn.
Tuy nhiên, việc khai thác các dòng sông và hậu quả của sự phát triển chóng mặt về kinh tế, xã hội của nhiều nước Đông Nam Á đã gây ra tổn thất lâu dài cho phong cảnh sông nước. Hơn nữa, hiệu ứng của biến đổi khí hậu còn gây ra thêm mối hiểm nguy cho các hệ sinh thái vốn đã bị đe dọa. Sự biến chuyển giữa lũ lụt và khan hiếm nước đe dọa phá hủy môi trường sống dọc cảnh quan sông nước và do đó cũng đe dọa tới đời sống sinh hoạt của hàng triệu người dân.
Triển lãm “Phong cảnh sông nước đang biển đổi” là lời nhắc nhở về môi trường trong một bối cảnh mới. 17 tác phẩm được thể hiện dưới các hình thức: sắp đặt đa phương tiện và sê-ri ảnh, sắp đặt video và vật thể, của các nghệ sỹ trẻ đến từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Indonesia và Philippin phản ánh sự thay đổi về môi trường cũng như về kinh tế – văn hóa và xã hội mà phong cảnh sông nước ở các nước này hiện đang trải qua.
Sau Hà Nội, triển lãm sẽ được trưng bày tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 5, sau đó sẽ tới các thành phố Bangkok (Thái Lan), Phnom Penh (Campuchia), Jakarta (Indonesia) và Manila (Philippin).
Tiến sỹ Meyer Zollitsch cho biết, với dự án nghệ thuật này, Viện Goethe mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với di sản văn hóa và môi trường vô giá mà đại diện là các cảnh quan sông nước tại Đông Nam Á, tạo ra những động lực mới cho các sáng kiến bảo vệ môi trường.