Ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết bắt đầu từ cuối tháng 4, Hà Nội kiên quyết lập lại trật tự trong kinh doanh du lịch nhằm tạo môi trường du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh Hà Nội đẹp hơn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Thủ đô.
Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành chức năng tập trung thanh kiểm tra các nội dung: kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, kinh doanh ôtô vận chuyển khách du lịch, kinh doanh lưu trú du lịch, xúc tiến du lịch, niêm yết giá (đặc biệt niêm yết bằng ngoại tệ), sử dụng lao động, chế độ báo cáo với cơ quan quản lý...
Công tác thanh tra sẽ thực hiện định kỳ hoặc đột xuất, kịp thời phát hiện những vi phạm để xử lý theo đúng luật định. Trước khi tiến hành lập lại trật tự kinh doanh du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã phổ biến các quy định pháp luật đến các doanh nghiệp nhằm tăng cường ý thức chấp hành của bản thân các doanh nghiệp.
Ông Mai Tiến Dũng cũng thừa nhận, thời gian qua, do lực lượng mỏng, chế tài xử phạt chưa cao nên tình hình vi phạm quy định trong kinh doanh du lịch diễn ra khá nhiều như có doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn thực hiện; có doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa không báo cáo với sở chủ quản việc triển khai kinh doanh. Hoặc một số nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch niêm yết giá bằng ngoại tệ....
Với vị trí là trung tâm du lịch lớn của cả nước, Hà Nội có trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động lữ hành, trong đó 430 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; trên 1.700 khách sạn, nhà nghỉ trong đó 323 khách sạn đã xếp hạng và hàng nghìn phương tiện vận chuyển du lịch. Để môi trường du lịch Hà Nội được lành mạnh, mang lại sự hài lòng cho du khách, đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của ngành văn hóa thể thao và du lịch mà cả các cấp ngành, địa phương liên quan./.
Đinh Thị Thuận