Điểm nhấn văn hóa du lịch Bắc Hà, Lào Cai

Cập nhật: 07/05/2012
Người Mông cư trú trên khu vực cao nguyên Bắc Hà chủ yếu là dòng Mông hoa, với đặc trưng dễ nhận thấy nhất là bộ váy áo phụ nữ rực rỡ hoa văn gam màu nóng. Những dải hoa văn màu đỏ, vàng và xanh đan xen với nhau tạo nên bộ trang phục nổi bật giữa núi rừng.

Cũng thật sự nổi bật và ngày càng phát huy vai trò hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến với Bắc Hà, là những nét văn hóa truyền thống của người Mông nơi đây. Từ những nhịp khèn mê mị, những khúc tấu sáo đắm say, điệu múa "sinh tiền" rộn ràng, đến sự nồng nàn của đặc sản rượu ngô, hương vị đặc sắc của "thắng cố"... và người Mông đã dần chủ động hòa nhịp trong sự phát triển của nền văn hóa du lịch hiện nay, với sự định hướng, giúp đỡ rất hiệu quả của chính sách nhà nước và ngành văn hóa - thể thao và du lịch.

 

Từ một điểm du lịch sinh thái - văn hóa...

Tả Van Chư nằm bên sườn tả ngạn giữa hai dãy núi cao hai bên bờ sông Chảy, một bên là Nàn Sín (thuộc huyện Si Ma Cai) và bên kia là dãy Cao Sơn (thuộc huyện Mường Khương), nơi đây hầu hết là người Mông sinh sống. Cách đây mấy năm, ngành văn hóa - thể thao và du lịch đã quyết định xây dựng Tả Van Chư trở thành điểm du lịch sinh thái - văn hóa, bởi có 2 yếu tố chính: Có cộng đồng người Mông cư trú tập trung, đậm vốn văn hóa dân gian, lưu giữ được nhiều phong tục tập quán truyền thống; có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khá nguyên sơ với khu rừng Nhù Cồ Ván xanh tươi bốn mùa. Từ năm 2009, Tả Van Chư đã được quan tâm đầu tư làm con đường có chiều dài 8 km từ trung tâm xã đến điểm du lịch sinh thái Hang Rồng trong khu rừng Nhù Cồ Ván, tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài nước ham mê khám phá. Người Mông trong khu vực đã được tuyên truyền và tập huấn về làm du lịch cộng đồng, vì vậy, du khách tới đây được tiếp đón nồng hậu, có thể liên hệ để địa phương bố trí nghỉ qua đêm với hình thức homestay như ở khu du lịch Sa Pa. Nếu khách có nhu cầu, các gia đình sẽ tổ chức sinh hoạt văn nghệ với những tiết mục truyền thống như dân ca, múa ô, múa "sinh tiền", đàn môi, biểu diễn võ thuật cổ truyền... để du khách thưởng thức và khám phá.

Khi đến với Bắc Hà, những đoàn khách quốc tế có thời gian du ngoạn được giới thiệu về tour đi Tả Van Chư hầu hết đều thích thú đồng ý bởi sự hấp dẫn của văn hóa Mông, trải nghiệm hình ảnh thực tế, mộc mạc chưa qua trau chuốt. Hơn nữa, đi Tả Van Chư còn là đi bộ, leo núi, khám phá hang động, ngắm cảnh, thả mình trong mây mù bềnh bồng. Một người dân ở đây vui vẻ cho biết: "Đã có một số gia đình thu nhập ổn định từ homestay rồi đấy".

 

... đến làng nghề Bản Phố nổi tiếng

Từ trung tâm huyện đi Bản Phố gần hơn đi Tả Van Chư rất nhiều. Bản Phố cheo leo như mái nhà huyện lỵ, với những bản Mông thấp thoáng từ lưng núi lên tới tận đỉnh núi. Hiện ở Bản Phố có 3 nghề thủ công truyền thống vẫn miệt mài theo dòng chảy tháng năm, đó là nghề nấu rượu, nghề dệt may thổ cẩm và nghề rèn đúc nông cụ. Giống như Tả Van Chư, xã Bản Phố hầu hết là người Mông.

Nghề nấu rượu ở Bản Phố đã qua bao thăng trầm, nhưng vẫn bền bỉ, âm thầm, bí quyết gia truyền được truyền đời từ các cụ cho đến con cháu. Men rượu được tạo ra từ hạt hồng mi, giống hạt kê, chỉ mọc ở các chân ruộng trên núi cao Bản Phố; nước dùng để nấu rượu cũng phải là nước mạch trong lành hứng từ ruột núi; ngô hạt dùng nấu rượu phải được chọn lựa loại ngon và đều hạt, qua quá trình luộc, ủ công phu và người trực tiếp đơm lò nấu rượu phải là người có tính cẩn trọng, tốt bụng... thì sản phẩm mới nồng nàn thơm hương đặc trưng rượu ngô Bản Phố. Hiện nay, nói tới đặc sản Bắc Hà, ai cũng nói tới rượu ngô Bản Phố; sau rượu mới là mận Tam hoa...

Dệt may thổ cẩm của người Mông nói chung và người Mông ở Bản Phố nói riêng vẫn là tự làm ra trang phục thiết yếu cho bản thân, gia đình. Ngoài ra, mới trở thành sản phẩm hàng hóa. Cách đây chừng hơn chục năm, Hội Phụ nữ xã đã tập hợp chị em người Mông lại làm thổ cẩm hàng hóa, bán ra thị trường nhằm tạo nguồn thu, mở hướng phát triển kinh tế, khi đó, thổ cẩm mới chính thức được coi là một nghề. Qua bàn tay khéo léo và chăm chỉ của chị em người Mông, những dải hoa văn rực rỡ sắc màu hình thành, sản phẩm làm ra có thể là bộ váy áo hoàn chỉnh, có thể là những chiếc túi du lịch, hoặc có thể chỉ là dải gấu váy, dải hoa văn đính cánh tay... Thực sự đã tạo cho chị em người Mông Bản Phố việc làm và thu nhập xứng đáng. Ngày chợ phiên, cả trung tâm thị trấn ngập tràn sắc màu thổ cẩm người Mông hoa cao nguyên. Vào trong chợ, khu bán thổ cẩm cũng tràn đầy sản phẩm từ bàn tay phụ nữ Mông vùng cao. Các khu trưng bày và bán thổ cẩm luôn thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.

Nghề rèn, đúc nông cụ là một nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của người Mông. Ở Bản Phố, hiện có 3 gia đình vẫn giữ được nghề này. Ngày thường, họ chỉ nổi lửa khi có đặt hàng làm một số lưỡi cày, lưỡi cuốc, rồi rèn dao, rìu... phục vụ bà con trong bản, ngày chợ, có nhà mang bộ dụng cụ rút gọn xuống chợ, chỉ là cái bễ nhỏ, cái đe nhỏ, chiếc búa rèn xinh xinh để nhận sửa chữa cày cuốc, dao kéo, có khi đánh lại cho bền, sắc hơn. Mỗi phiên chợ, tất cả tiền thù lao thu được do sửa chữa nông cụ giúp bà con có thể chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng rất vui. Có mấy ai biết, nghề nông cụ gia truyền này có lịch sử xa xưa.

Mới điểm qua hai địa bàn cư trú của người Mông, cũng thấy được đó là những điểm nhấn rất ấn tượng trong bức tranh toàn cảnh của văn hóa du lịch Bắc Hà. Trên cao nguyên này, còn có bản sắc văn hóa của 15 dân tộc anh em khác, cùng cảnh sắc thiên nhiên, như núi non hùng vĩ, hệ thống sông, suối và hang động, con người hồn hậu, mến khách, là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên nhân văn và tự nhiên, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt./.

Nguồn: Báo Lào Cai