Golf có quy hoạch, tạo điểm nhấn cho du lịch

Cập nhật: 14/05/2012
Sau gần 1 năm rưỡi thực hiện thực hiện quy hoạch sân Golf được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 29/11/2009), đã không còn tình trạng lấy đất lúa 2 vụ, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… làm sân golf.

Tuy nhiên sự hấp dẫn của lĩnh vực đầu tư này không vì thế mất đi. Thực tế cho thấy, các dự án sân golf và có mục tiêu kinh doanh sân golf gắn với các dự án đầu tư các khu du lịch cao cấp, các khu đô thị mới đã góp phần quan trọng tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch và kêu gọi đầu tư của địa phương. Những thông tin này được đưa ra tại buổi tọa đàm ngày 11/5 do Báo Đầu Tư tổ chức tại Hà Nội.

Theo ông Hoàng Ngọc Phong - Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT: Hiện cả nước có 90 sân golf nằm trên địa bàn 34/63 tỉnh, thành phố. Trước khi có quy hoạch sân golf cả nước, cả nước dự kiến 166 sân. Thực hiện quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã loại ra 76 sân golf, thu hồi lại trên 15.600 ha đất các loại.

Các sân golf được quy hoạch đều gắn với các vùng, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Vùng bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có 29 dự án sân golf; Vùng Đông Nam bộ có 21 dự án; Đồng bằng sông Hồng có 17 dự án; Trung du Miền núi phía Bắc có 11 dự án; Tây Nguyên có 8 dự án; Đồng Bằng Sông Cửu Long có 4 dự án sân golf.

Cũng theo ông Phong, kết quả rà soát 90 sân golf nằm trong quy hoạch cho thấy: Diện tích lúa đã giảm từ 28% xuống còn 2% và hoàn toàn không có đất lúa 2 vụ; đất lâm nghiệp có rừng chủ yếu được sử dụng cho mục đích du lịch sinh thái của nhiều sân golf chiếm 97%; chỉ có 3% đất rừng chuyển sang mục đích khác; đã đưa vào sử dụng 7200 ha đất trống đồi núi trọc, đất ven biển, đất đầm lầy chiếm 41% diện tích đất các sân golf.

Tổng số vốn đầu tư đăng ký của 90 dự án sân golf là 24,5 tỷ USD, trong đó vốn nước ngoài là 20,5 tỷ USD, chiếm 84%; vốn trong nước khoảng 4 tỷ USD, chiếm 13%.Trong số 90 dự án nằm trong quy hoạch có 21 dự án là do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn, 28 dự án liên doanh, còn lại 41 dự án đầu tư 100% vốn trong nước.

Mức nộp ngân sách nhà nước khoảng 505 tỷ đồng trong năm 2010 (thống kê chưa đầy đủ, còn một số tỉnh chưa có báo cáo), trong đó phải kể đến thuế sử dụng đất đóng nhiều hơn so với thuế đất nông nghiệp. Có một số sân golf đạt kết quả kinh doanh khá cao như sân golf Lương Sơn (Hòa Bình); sân golf Chí Linh (Hải Dương), sân golf Đồng Mô, Vân Trì (Hà Nội), Yên Thắng (Ninh Bình), Sân golf Khu du lịch Song Mây (Đồng Nai).

Tuy vậy, để phát triển mạnh ngành công nghiệp – thể thao golf hơn nữa nhiều đại biểu dự tọa đàm đặc biệt cần lưu ý là giá thành chơi golf ở Việt Nam đắt gần gấp đôi ở Thái Lan. Điều này không chỉ cản trở sự phát triển số lượng người chơi golf ở Việt Nam mà là một rào cản tại hại đối với du khách golf và làm thua thiệt lớn cho ngành du lịch golf Việt Nam. Việc giảm giá thành chơi golf ở Việt Nam là một mục tiêu cần phải đạt được trong thời gian sớm nhất để tăng tốc sự phát triển ngành công nghiệp golf Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Ngọc Chu - Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Golf Việt Nam: “Một điều khác cần đề cập đối với sự phát triển golf ở Việt Nam là vấn đề bất động sản của sân golf. Nói chung, bất động sản là một cấu thành không tách rời của sân golf. Sự kết hợp bất động sản với sân golf sẽ cho một hiệu quả kinh tế cấp số nhân, thay vì một hiệu quả kinh tế cấp số cộng nếu chúng bị tách rời nhau. Trong đa số trường hợp, sân golf không thể tồn tại nếu tách rời thành tố bất động sản”.

Hoài Nam

Nguồn: LangVietOnline