Theo dấu chân trốn chạy của những đàn cá khổng lồ
Vẫn câu chuyện của anh Trương Văn Thắng, bản Lũng Táo: hồ Thang Hen còn là mỏ cá tự nhiên nuôi sống người dân bản địa hàng trăm năm nay, trong đó có những loài cá nước ngọt khổng lồ di chuyển theo đàn vào những ngày nước lên, nước cạn.
Tuổi thơ của anh Thắng gắn với những kỷ niệm theo chân bố mẹ vào hồ Thang Hen thả nơm úp cá, hay cất vó tép hồ Thang Hen về thay bữa, những lúc ăn không hết thì chuyển sang làm mắm tép hay phơi khô làm thực phẩm dự trữ mùa đông. Những ngày trở trời, bà con bản Lũng Táo đi bắt được cả tạ tép một ngày, tôm cũng bắt được hàng quang gánh. Những khi đó, dân bản Lũng Táo lại gửi xe ra ngoài thị xã Cao Bằng cách đó hơn chục km để bán.
Điều khó hiểu khác, đó là trong thời điểm hồ Thang Hen cạn trơ đáy (6 tháng trong một năm), toàn bộ khu vực lòng hồ trơ cạn, cỏ mọc um tùm như một bình nguyên, nhiều người dân còn tranh thủ vỡ đất để tăng gia cây ngắn ngày, như thế, với sự phong phú và đa dạng về các loại động thực vật trong hồ, chúng từ đâu đến?!
Anh Thắng giải thích: những loài cá sống trong hồ Thang Hen rất khôn. Chúng linh cảm được thời gian nước hồ rút cạn (rơi vào thời điểm lập thu) nên nhanh chóng tìm đường rút vào các hang nước ngầm. Qua tiết thanh minh, nước dâng cao trong các hồ, hàng đàn cá lớn lại nối đuôi nhau từ hang ngầm ra hồ đẻ trứng.
Có những con cá chép dài cả sải tay, vây to bằng miệng chén uống nước, rất hoành tráng. Những con không kịp rút khi hồ cạn nước bị mắc kẹt lại, người dân ra bắt được có trọng lượng lên tới hơn chục kg. Ngoài cá chép, hồ Thang Hen còn có các loại như nheo, trắm... với trọng lượng khổng lồ.
"Tôi đã nhiều lần đứng trên miệng cửa hang lớn ở hồ Thang Hen xem cảnh tượng thần kỳ ấy. Đa số người dân đều không bắt những đàn cá lớn đó, vì chúng khôn ngoan như cá thần, mà có bắt chúng cũng không mắc lưới. Quan trọng nhất, đây chính là nguồn gen quý giá để duy trì mỏ cá hồ Thang Hen...".
Những loài thuỷ sản tự nhiên ở đây cũng đã tự thích nghi với môi trường sống. Những ngày hồ cạn đáy chúng tìm về các hang ngầm trú ẩn, đợi mùa mưa nước hồ lên, chúng lại từ các hang lên hồ sinh sống. Chính vì thế, mùa cá đẻ cũng rơi vào tiết thanh minh, đất trời, vạn vật xanh tươi, mỡ màng.
Con đường di trú của những đàn cá lớn nơi đây đã phần nào lý giải, hàng ngàn m3 nước trong hồ khi cạn bị rút đi đâu, nếu như không có một túi chứa khổng lồ khác được nối thông với các hồ.
Về hiện tượng hồ Thăng Hen rút nước rất nhanh, anh Thắng lý giải: ở dưới đáy hồ có rất nhiều miệng hang, động. Mỗi miệng hang có chu vi chừng gần một mét. Đây chính là những lỗ thủng khiến nước bị rút cạn theo con đường thông với đáy hồ.
Những ngày dân làng đi bắt cá, việc đầu tiên mà không ai bảo ai, đó là phải tìm cách khuân đá để lấp những miệng hang thủng này, để cá không bị theo nước trốn xuống dưới hang ngầm.
Thời điểm chúng tôi có mặt ở hồ Thang Hen là những ngày đầu tháng 4, nước bắt đầu trở lại hồ. Ngoài hồ Thang Hen nước đang lên ngân ngấn chừng 1/3 lòng hồ, những hồ khác vẫn còn khô đáy.
Chỉ tay sang những hủm đất xung quanh miệng hồ, mỗi hủm chỉ cách nhau chừng vài chục mét, trông tựa như một cái tổ của loài động vật đào hang ngầm trú trong lòng đất, anh Thắng cho biết: đó là những cột nước ngầm từ dưới lòng đất phu lên khi mùa mưa đến. Có thời điểm, xung quanh hồ lớn Thang Hen có tới vài chục cột nước tự nhiên cùng phun trào, tựa như những cột nước nhân tạo kỳ thú trong công viên. "Nước về cũng nhanh như khi đến. Mùa nước đầy, hồ dâng cao lên tận chỗ anh em mình đứng (là con đường bê-tông được đổ xung quanh mép hồ, ở độ cao gần 100 mét so với đáy hồ)
Còn một quần thể hang động khác ở sâu bên trong các hồ Thang Tè, Kỳ Rằng, Thăng Khung, Thang Luông, Thang Vạt, Thang Hoi, Thang Kiều... Thời điểm hiện tại, chủ đầu tư khu sinh thái hồ Thăng Hen đang đóng cửa không cho người dân bản địa ra vào. Trong kế hoạch của họ, đó sẽ là một điểm du lịch khám phá hang động ngầm dành cho những người ưa phiêu lưu mạo hiểm.
"Tuần trước, có một đoàn chuyên gia địa chất, có cả người nước ngoài đến đây, họ lặn xuống dưới đáy hồ để lần tìm theo những miệng hang ngầm trong lòng hồ. Họ bảo, dưới lòng hồ Thang Hen có rất nhiều cửa động ngầm..." - câu chuyện của anh Thắng bị cắt ngang vì có tiếng rìu chặt cây vọng lại từ trong khe núi.
"Đó là rừng nghiến thuộc xã Ngũ Lão, huyền Hoà An, tiếp giáp với xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Thời gian gần đây, người dân bên đó đổ xô lên rừng tìm một cây lạ do tư thương Trung Quốc đang săn lùng mua với giá rất cao. Nhiều người đã lợi dụng việc này để chặt nghiến, phá rừng" - anh Thắng chua xót.
Những tổ ong trong lòng đất
Hồ Thang Hen là một hồ nước ngọt tại xã Quốc Toản nằm ở độ cao trên 1000 mét so với mực nước biển, cách thị xã Cao Bằng chừng 7km.
Tên của hồ theo nghĩa tiếng Tày là "đuôi ong", bởi vì từ trên cao nhìn xuống thì hồ có hình tựa như đuôi con ong. Hồ có chiều rộng chừng 100-300 m, chiều dài 500-1.000 m, tùy theo mực nước.
Theo phân tích của ngành địa chất, quần thể hồ Thang Hen là một bể nước kín tự nhiên, có các dòng sông suối ngầm đổ về, và cũng có nhiều dòng suối ngầm chảy đi theo một hệ thống sông suối ngầm nằm sâu trong lòng những rặng núi đá. Hiện tượng này, thuật ngữ chuyên môn gọi là carxtơ. Nước hồ Thang Hen hàng ngày có hai đợt thủy triều lên xuống, độ chênh lệch của mực nước lớn và nhỏ trong hồ - giữa mùa mưa và mùa khô - có thể tới 15 đến 20mét.
Vào mùa lũ lớn, do có cả nước bề mặt đổ về nên nước chảy đi không xuể, làm cho hồ tràn sang các thung lũng liên kết tạo thành một chuỗi có tới 36 hồ nước xanh ngắt. Một trong các hồ bên cạnh Thang Hen là hồ Thăng Luông. Vào mùa khô hạn lớn thì hồ có thể trơ đáy, chỉ còn ít nước tại hồ chính Thang Hen với mức nước thấp nhất 10m, và các sông suối ngầm đều chảy ngầm hoàn toàn.
Khi hồ cạn, có thể quan sát trên bờ bùn dốc ngược có những hố lớn mà dưới lòng phễu của chúng là những thân cây, củi gỗ xếp xoay như được xoắn hút xuống; đó là những cửa ngầm thoát nước vào mùa nước lên.
Thượng nguồn của hồ là hang Thang Hen. Một trong các suối bắt nguồn từ hồ là suối Củn, chảy lộ thiên bắt đầu từ một miệng nguồn trên một dãy núi đá vôi bao quanh hồ, có đỉnh cao tới 2000 mét so với mực nước biển, tới thị xã Cao Bằng thì nhập vào sông Bằng.
Năm 2000, tại thượng nguồn của suối Củn, người ta phát hiện một "giếng sụt" có đường kính gần 100m, tụt sâu 50-70m. Lý giải hiện tượng này, các nhà khoa học cho biết nó được sinh ra bởi hiện tượng ăn mòn đá vôi do dòng chảy ngầm.
Khu vực hồ Thang Hen có bờ vực đá dựng đứng sâu vài chục mét cắm thẳng từ đỉnh xuống dưới đáy hồ Thang Hen và động cao 20m thông lên phía triền núi. Đây chính là cửa động gắn với huyền thoại về việc cả dân bản đặt bẫy diệt loài quái thú phá hoại mùa màng nhiều năm về trước.
Giữa một vùng thung lũng rộng mênh mông, một chiếc lá rơi cũng khiến những lớp cỏ mềm dưới chân xao động, không gian yên ả đến trữ tình khiến du khách như lạc vào chốn bồng lai.
Ngay dưới chân hồ, cách một con dốc từ đỉnh núi xuôi theo hướng ra đèo Mã Phục, bản Lũng Táo hiền hoà với những nóc nhà lợp ngói rêu phong cổ kính. Bản người Tày từ bao đời nay gắn bó với quần thể hồ trữ tình nhất mực, và chính họ là người giữ gìn những huyền thoại gắn chiếc hồ "đuôi ong", mỏ nước ngọt tự nhiên giữa núi rừng Đông Bắc.