Na Hàng: Gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Cập nhật: 24/05/2012
Xác định du lịch là một thế mạnh đặc biệt của địa phương, Nà Hang hiện đang xây dựng những “chiến lược” phát triển du lịch đồng bộ, trong đó chú trọng đến việc phát triển các loại hình du lịch với việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc tại địa phương.

Nà Hang có nhiều tiềm năng về phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm... Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2006-2010, du lịch Nà Hang đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.

Huyện phối hợp với Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Nà Hang quy hoạch chi tiết khu lâm viên Phiêng Bung, quy hoạch và xây dựng khu đón tiếp khách tại thác Pác Ban, sưu tầm, lập hồ sơ khoa học đề nghị và được nhà nước công nhận 11 di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia, khôi phục 3 lễ hội Lồng tông truyền thống, trùng tu, tôn tạo đền Pác Tạ, quy hoạch 2 bến tàu, 3 tuyến và 15 điểm du lịch phục vụ du khách. Xã hội hóa về phát triển kinh tế du lịch, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật cũng được Nà Hang tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân liên quan, trong đó chú trọng đến việc hình thành các nhà nghỉ, phương tiện vận tải du lịch, các nhà hàng phục vụ ăn uống... Nhờ thế, du khách đến với Nà Hang đã tăng từ 3.500 lượt năm 2006 lên 43.000 lượt khách năm 2010, tổng doanh thu xã hội về du lịch đạt trên 4 tỷ đồng/năm.

Thực hiện Kết luận số 34-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch giai đoạn 2011 - 2015, Nà Hang phấn đấu thu hút trên 600.000 lượt khách du lịch, doanh thu về du lịch giai đoạn này đạt trên 34 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.500 lao động trong ngành du lịch và dịch vụ du lịch.

Để thực hiện được mục tiêu này, UBND huyện Nà Hang đã phối hợp với Ban quản lý khu du lịch sinh thái Nà Hang quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trong khu du lịch sinh thái toàn huyện như khu ngắm cảnh rừng trên nước, khu thủy trại Đà Vị, làng văn hóa du lịch thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, quy hoạch xây dựng Làng văn hóa du lịch dân tộc Tày tại Nà Khá, xã Năng Khả, làng nghề dệt thổ cẩm ở Thượng Nông.

Trong năm nay, khu đón tiếp khách tại thác Pác Ban đã cơ bản được hình thành. Anh Cao Trường Minh, cán bộ Ban quản lý khu du lịch sinh thái Nà Hang cho biết: Việc hình thành khu đón tiếp sẽ tạo bước đệm nền móng để phát triển các phân khu chức năng trong thời gian tiếp theo, đồng thời hình thành khu trung chuyển khách, hình thành một bến đỗ tập trung cho các tàu thuyền phục vụ du lịch. Tới đây, sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch tiếp tục đầu tư xây dựng các khu dịch vụ, nhà hàng ăn uống tại khu vực này để đa dạng hóa hơn nữa các dịch vụ du lịch tại đây.

Với lợi thế là huyện có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, lại có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, việc gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được huyện Nà Hang rất chú trọng. Trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng của huyện tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đề nghị nhà nước xếp hàng các di tích như Chùa Côn Lôn (xã Côn Lôn), hang Thẳm Pióng, hang động Nà Chao (Năng Khả), hang động Vằng Me (Sơn Phú), hang Thẳm Lẩu (Thanh Tương)... Tiếp tục khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống như lễ hội Lồng tông Yên Hoa, lễ cấp sắc của dân tộc Dao đỏ ở Sơn Phú, lễ cấp sắc của đồng bào Dao tiền ở Hồng Thái. Khôi phục và xây dựng các làng nghề truyền thống như nghề trồng bông dệt thổ cẩm ở thôn Đông Đa 1 (Thượng Nông), mây tre, đan lát ở xã Thanh Tương, nghề thủ công mỹ nghệ ở thị trấn Nà Hang...

Với việc phát triển đồng bộ, du lịch Nà Hang hy vọng sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, thu hút khách du lịch và đặt dấu ấn trở thành điểm du lịch nổi bật của tỉnh ta.

Nguồn: Vista/TQĐT