Phát triển du lịch theo hướng bền vững: Những hành động thiết thực

Cập nhật: 15/06/2012
Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, Bà Rịa-Vũng Tàu còn chú trọng công tác bảo vệ môi trường du lịch nhằm khai thác hiệu quả lợi thế từ biển và phát triển bền vững ngành du lịch địa phương.

Nhặt rác làm sạch bãi biển ở CLB biển Imperial (khách sạn Imperial Vũng Tàu). Ảnh: Nguyễn Dức.

Bắt đầu từ nhận thức

Toàn tỉnh hiện có 162 khách sạn và resort đang hoạt động với 6.722 phòng và gần 700 nhà nghỉ, phòng trọ du lịch với khoảng 5.000 phòng. Hơn 50% số khách sạn, resort đi vào hoạt động trước thời điểm ra đời của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường, của UBND tỉnh BR-VT (năm 2005) nên thiếu hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng chưa đạt quy chuẩn. Nước thải tại hầu hết các đơn vị này được thu gom, xử lý qua bể lắng, sau đó thải trực tiếp theo hệ thống nước thải đô thị chung. Một số cơ sở có diện tích rộng thì xả thải trực tiếp vào môi trường tự nhiên hay thoát ra sông, hồ. Lượng nước thải này là nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ngầm. Bên cạnh đó, những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng là thách thức lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch địa phương.

Ông Trần Văn Thông, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VHTTDL), cho biết, nếu không hành động kịp thời, hậu quả về môi trường sẽ khôn lường vì vậy, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, ngành du lịch đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường trong chính những người trực tiếp làm du lịch để từ đó lan tỏa ra cộng đồng. Nhiều hoạt động đã được tổ chức nhân ngày môi trường thế giới hàng năm, tết trồng cây hoặc kết hợp trong tuần lễ môi trường văn hóa-du lịch… Bên cạnh đó, việc giám sát chất lượng môi trường tại các khu du lịch cũng được siết chặt. Kết quả, ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch được nâng lên. Nhiều khu du lịch, khách sạn đã chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, thường xuyên làm sạch bãi biển, trồng mới hệ thống cây xanh, sân vườn, tạo môi trường trong lành, cảnh quan sạch đẹp, phục vụ du khách.

Đối với môi trường xã hội, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch trong việc bảo đảm trật tự an toàn, văn minh tại các khu du lịch, các đề án, chuyên đề về du lịch như: “Bảo đảm trật tự tại các bãi tắm, khu du lịch”, “Xây dựng mạng lưới cấp cứu thủy nạn trên các bãi tắm”, “Lành mạnh hóa môi trường xã hội tại các điểm tham quan”; chương trình “Những địa chỉ tin cậy của du lịch BR-VT”... được triển khai, nhằm xây dựng uy tín, hình ảnh của du lịch BR-VT. Đặc biệt, cuối năm 2011, chủ trương di dời các quán hàng tại khu vực dọc vỉa hè Thùy Vân vào chợ du lịch Vũng Tàu đã góp phần tạo nên diện mạo khang trang, sạch đẹp, an ninh trật tự cho Bãi Sau.

Tham gia vào các tiêu chuẩn đánh giá uy tín

Ngoài các chương trình do địa phương phát động, các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đang tích cực hưởng ứng chương trình nhãn Bông sen xanh do Bộ VHTTDL vừa ban hành, quy định trình tự, thủ tục đánh giá và thí điểm cấp chứng nhận nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh cho các cơ sở lưu trú du lịch CSLTDL) . Chương trình nhãn Bông sen xanh được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu về bảo vệ môi trường sinh thái của một số nước châu Âu, châu Á, Cơ quan Môi trường của Pháp và chương trình môi trường của Liên hiệp quốc), khảo sát thực tế tại 130 cơ sở lưu trú toàn quốc và thu thập các ý kiến của chuyên gia về môi trường trong nước và quốc tế. Nhãn Bông sen xanh có 5 cấp độ (thấp nhất 1 và cao nhất là 5 bông sen xanh). Số lượng bông sen ghi nhận mức độ nỗ lực trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của cơ sở lưu trú mà không phụ thuộc vào loại, hạng đã được công nhận. Để được cấp nhãn Bông sen xanh, các CSLTDL phải thực hiện các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường theo bộ tiêu chí Nhãn bông sen xanh gồm 81 tiêu chí chia thành 4 nhóm chính là: Quản lý bền vững; Tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương; Giảm thiểu các tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, di sản thiên nhiên; Giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường. Mỗi nhóm có các mục cụ thể, được phân thành ba cấp độ: cơ sở, khuyến khích và cấp cao.

Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, việc xây dựng tiêu chí nhãn sinh thái Bông sen xanh là công cụ để đánh giá công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ sở lưu trú, hướng tới nâng cao chất lượng môi trường, chất lượng sản phẩm du lịch, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch Việt Nam, tăng cường hội nhập quốc tế và góp phần phát triển du lịch bền vững. “Thông qua kênh quảng bá của nhãn Bông sen xanh, cơ sở lưu trú du lịch nội tỉnh sẽ được hỗ trợ tiếp thị đến nhóm khách du lịch có ý thức cao về bảo vệ môi trường khắp thế giới. Đồng thời, đây cũng là cách kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng những người làm du lịch và người dân địa phương”, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở VHTTDL cho biết.

ĐĂNG KHOA

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn