Vườn quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có diện tích trên 45.000ha. Đây là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi (2.432ha). Trong khu bảo tồn Xuân Sơn có 3 đỉnh núi cao trên 1.000m là núi Voi, núi Ten và núi Cẩn.
Động thực vật ở đây vô cùng phong phú và đa dạng. Hệ thực vật theo điều tra của ngành Lâm nghiệp đã thống kê được 1.218 loài, 655 chi, 175 họ; chiếm 11% tổng số loài, 28% tổng số chi và 57% tổng số họ của hệ thực vật Việt Nam. Có 64 loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới; nhiều loài động vật đặc hữu như vượn đen tuyền, voọc xám, các loài khỉ, cú lợn, hổ, hươu, nai, sơn dương, báo gấm, gấu ngựa,… Trong lòng hệ thống các núi đá vôi ở đây đã phát hiện gần 50 hang động lớn nhỏ; có hang dài tới gần 10.000m như hang Lạng, hang Thổ Thần, Na, Lum, Lấp, Dơi, Ông Lão… những tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên kỳ thú thu hút du khách.
Bản Cỏi xã Xuân Sơn hiện có 82 hộ dân, trong đó có 81 hộ người Dao, 1 hộ người Mường; dân số khoảng trên 400 người. Với vị trí địa lý tự nhiên, bản Cỏi nằm tựa lưng vào núi Ten về phía Đông Nam. Núi Ten cao trên 1.000m (so với mực nước biển) như một viên ngọc quý thiên nhiên ban tặng cho Xuân Sơn.
Trong quy hoạch phát triển du lịch Phú Thọ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vườn quốc gia Xuân Sơn là một trong những khu du lịch trọng điểm. Bản Cỏi có tiềm năng và điều kiện để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Chỉ có phát triển theo hướng du lịch cộng đồng sẽ giúp đồng bào bảo tồn được văn hóa bản địa - văn hóa của dân tộc mình; đồng thời sẽ mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho người dân địa phương.
Người dân bản Cỏi vẫn giữ được nét bản sắc văn hóa riêng. Họ ở nhà đất là chủ yếu; sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và thiên nhiên; chăn nuôi kiểu tự thả: trâu, bò, lợn, gà, vịt suối; có giống gà nhiều cựa là đặc trưng; bảo tồn phong tục tập quán cúng Bàn Vương, lễ Cấp sắc, múa chuông, múa rùa; chỉ mặc trang phục của chính dân tộc mình trong các ngày lễ hội và ngày Tết…
Với mục tiêu xây dựng điểm du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số trong đó có cộng đồng dân tộc Dao tại bản Cỏi - Xuân Sơn để khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; thực hiện chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội làm giàu cho đồng bào dân tộc Dao, các dân tộc cùng định cư trong khu vườn quốc gia Xuân Sơn cần tập trung vào một số tiêu chí:
Thứ nhất, bảo tồn thiên nhiên - hệ sinh thái rừng Xuân Sơn; xây dựng và phát triển du lịch khám phá hệ sinh thái rừng Xuân Sơn...
Thứ hai, bảo tồn kiến trúc, chủ yếu là nhà ở truyền thống, nhà kho lương thực, trại, bếp... và những vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: cối giã gạo nước, cọn nước, cày, bừa...
Thứ ba, bảo tồn nghi thức, phong tục tập quán, cúng Bàn Vương, lễ cấp sắc... Bằng các phương pháp điều tra xã hội, nghiên cứu để khai thác nội dung, hình thức tổ chức các nghi lễ trên. Từ đó hướng dẫn, vận động đồng bào gạn đục khơi trong phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp để xây dựng bản văn hóa theo các tiêu chí của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Thứ tư, bảo tồn giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong bản, ngoài làng; tổ chức các trò chơi trong sinh hoat văn hóa dân gian, biểu diễn văn nghệ (múa chiêng, múa rùa, múa Lập tĩnh...).
Thứ năm, bảo tồn giống gà nhiều cựa. Gà bản Cỏi thường có từ 4 đến 6 cựa, nhiều con có 7 - 8 cựa. Gà nhiều cựa có ở rất nhiều các hộ dân song đang phát triển một cách tự nhiên, chưa được chú trọng bảo tồn. Chỉ bảo tồn gà nhiều cựa theo kiểu vận động dân chăn nuôi là chưa đủ mà phải xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học để tạo giống, phục tráng đàn gà quý hiếm này. Thịt gà nhiều cựa ăn ngon, thơm và giàu chất dinh dưỡng đang là ẩm thực hấp dẫn thực khách.
Hiện nay, quy hoạch vườn quốc gia Xuân Sơn đã được phê duyệt, dự án bảo tồn và phát triển gà nhiều cựa đã triển khai đạt kết quả tốt; dự án khôi phục nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhà ở của người Dao, người Mường tại xã Xuân Sơn đang được triển khai; một số hang động đã từng bước được đầu tư khai thác phục vụ tham quan, nghiên cứu; một số đề tài khoa học nhằm bảo vệ rừng nguyên sinh với những loài động thực vật phong phú đã và đang được triển khai đồng bộ; vườn rau sắng Xuân Sơn đang mở rộng; đặc biệt là chuyến du lịch Xuân Sơn - Đền Hùng đã khởi động và triển khai tích cực... Lượng du khách đến với vườn Quốc gia Xuân Sơn ngày càng tăng; đó là những tín hiệu đáng mừng. Người dân bản Cỏi đã sẵn sàng làm du lịch cộng đồng vì lợi ích quốc gia, dân tộc và cũng là vì lợi ích của chính mình.