Ngày 22-06-2012 các chuyên gia trong và ngoài nước hôm nay tề tựu tại thủ đô nhằm tìm những giải pháp cứu hơn 100 hồ lớn, nhỏ trước thực trạng hồ Hà Nội bị ô nhiễm trầm trọng và diện tích nước mặt bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa.
Theo PGS. TS Trương Quang Học, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên & Môi trường – Đại học Quốc gia Hà Nội, nước mặt sông, hồ Hà Nội bị ô nhiễm nặng do nước thải phần lớn chưa được xử lý đổ vào từ các khu dân cư, 116 khu công nghiệp và công viên, 48 bệnh viện, 1,310 làng nghề, v.v…
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện Kỹ thuật Nước&Công nghệ Môi trường, cho biết trong các hồ được quan trắc chỉ có hồ Tây là hồ duy nhất có khả năng tự làm sạch, giá trị thông số đạt quy chuẩn nước mặt của Bộ Tài nguyên&Môi trường. Hồ Bảy mẫu do mới cải tạo, kè bờ xung quanh nên còn tương đối trong sạch. Còn lại không có hồ nào đạt quy chuẩn nước mặt. Điều đó cho thấy xu hướng biến đổi chất lượng nước suy giảm theo các năm từ 2006 - 2010.
Theo bà Phạm Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường&Cộng đồng, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày ông Công, ông Táo lại xảy ra tình trạng rác thải, bát hương được thải xuống hồ gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tất cả những gì xấu nhất được đổ ra hồ. Các khu vực ven hồ, kênh, mương là mục tiêu lấn chiếm nhiều nhất, để làm nơi cư trú - ông Nguyễn Công Thành, chuyên gia về quản lý nước, bổ sung.
Vẫn theo ông Học, sự suy giảm diện tích hồ ao do san lấp, lấn chiếm, bóp cổ hồ để xây dựng nhà ở, các công trình công cộng.
“Kết quả là mặt hồ, kênh, mương, dòng chảy bị thu hẹp, cản trở thoát nước gây ngập lụt”, theo ông Nguyễn Công Thành.
Ông Lưu Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu&Quy hoạch Môi trường Đô thị Nông thôn (Bộ Xây dựng), cho rằng tác động của biến đổi khí hậu đến hồ là rất rõ trong đó hiện tượng đảo nhiệt và úng ngập trong đô thị là hai tác động lớn nhất.
“Tôi cho rằng những gì chúng ta đang phải gánh chịu không phải chỉ do biến đổi khí hậu mà do đô thị hóa, quy hoạch đô thị”, ông Cường nói, “Có lẽ phải nhìn nhận cái chính là nhân tai gây ra úng ngập ở Hà Nội.”
Cộng đồng ở đâu
TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên&Môi trường, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng chắc chắn không thể thiếu được trong công cuộc bảo vệ môi trường.
Mặc dù vậy, theo bà Lý, sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ hồ rất yếu ớt, còn mang tính hình thức.
“Công tác khôi phục hệ sinh thái của hồ đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản, và đòi hỏi các giải pháp tích hợp và đồng bộ với sự tham gia của các nhóm xã hội, dân cư sống xung quanh hồ”, bà Lý chia sẻ tại hội thảo "Sử dụng bền vững hồ Hà Nội dựa vào cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu" ngày 22/6 tại Hà Nội.
Còn ông David B. Shear, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho rằng để bảo vệ hồ, sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, khu vực tư nhân và cộng đồng dân cư là rất cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Khoa học&Công nghệ cho biết có thể bảo vệ hệ sinh thái bằng cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật khôi phục và bảo vệ hệ thống hồ Hà Nội. Ngoài ra khi thực hiện cần xem xét khả năng thích ứng của hồ trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Góp ý cho giải pháp cứu hồ Hà Nội, ông Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, kiến nghị thành lập câu lạc bộ bảo vệ hồ Hà Nội như tỉnh Bắc Cạn có câu lạc bộ bảo vệ hồ Ba Bể, có thể học hỏi từ họ.
Theo kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, thành phố Hà Nội phải cần trên 14.000 tỷ đồng để thực hiện 13 dự án thoát nước đô thị.