Ngày 24/7, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia tổ chức hội thảo "Xác định những giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An". Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học cùng các chuyên gia tư vấn uy tín trong nước và quốc tế.
Hội thảo này nhằm báo cáo các kết quả nghiên cứu, phát hiện mới về khảo cổ học, địa chất, địa mạo; đánh giá, đề xuất các giá trị nổi bật toàn cầu (theo 4 tiêu chí là 3, 5, 7, 8); xem xét dự thảo kế hoạch quản lý và các yếu tố ảnh hưởng đến di sản. Các ý kiến phát biểu tại hội thảo thống nhất cho rằng, giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An tập trung vào 3 tiêu chí, gồm: Tiêu chí 5, thí dụ tiêu biểu của truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng đất hoặc sử dụng biển đặc trưng cho một hay nhiều nền văn hóa, hoặc quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên đang trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những thay đổi không thể đảo ngược. Tiêu chí 7: Chứa đựng những hiện tượng tự nhiên đặc sắc hoặc các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên và giá trị thẩm mỹ vượt trội. Tiêu chí 8: Là ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của Trái Đất, bao gồm cả tiến trình phát triển sự sống, những quá trình địa chất đang hình thành nên các dạng địa hình, các đặc điểm địa mạo hoặc sơn văn nổi bật. Còn đối với tiêu chí 3: chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh hiện vẫn đang tồn tại hoặc đã tuyệt vong, các nhà khoa học đề nghị nên tiếp tục khảo cứu, theo dõi để đưa vào hồ sơ di sản khi có những phát hiện mới mang tính bước ngoặt.
Theo Giáo sư Paul Dingwall, chuyên gia Hiệp hội bảo tồn thế giới (IUCN - UNESCO), người tư vấn tổng thể xây dựng hồ sơ và kế hoạch quản lý di sản, điều quan trọng là cần phải biện luận rằng, giá trị nổi bật của Quần thể danh thắng Tràng An là ở cảnh quan, môi trường… Tất cả phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để làm rõ tiêu chí thứ 7. Tuy nhiên, nếu chỉ đi sâu phân tích tiêu chí này thì tự nó không đủ để đứng vững, cần phải có sự trợ giúp của các tiêu chí khác và đó chính là tiêu chí 8, địa chất và địa mạo, thể hiện một quá trình địa chất phát triển, sự hình thành của Trái Đất vào các yếu tố địa chất, cảnh quan núi đá vôi cát-xtơ dạng thấp.
Trước đây, các nhà khoa học và chuyên gia tư vấn chỉ tập trung nghiên cứu tiêu chí 7 và 8, nhưng trước yêu cầu và tình hình thực tế, chúng ta đã đưa thêm vào tiêu chí 5 về lịch sử văn hóa. Tràng An có Cố đô Hoa Lư, kinh đô nước Việt cách đây hơn 10 thế kỷ. Con người nơi đây rất coi trọng vùng đất này. Họ đã sống, mạnh mẽ thích ứng với thiên nhiên để tồn tại qua nhiều đời. Phải nhấn mạnh cả những yếu tố này. Lịch sử của chúng ta được xem xét bởi những sự thành công. Phải kể lại bằng được câu chuyện đó - GS Paul Dingwall nhấn mạnh như vậy.
Giáo sư Richard Engelhardt, chuyên gia Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS – UNESCO) rất tâm đắc với yêu cầu đặt ra là: Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An phải là một câu chuyện mang tính nổi bật. Điều quan trọng là con người nơi đây đã tồn tại trong tiến trình phát triển của thế giới như thế nào, có thể thích ứng một cách mạnh mẽ trong Kỷ băng hà, khi môi trường thay đổi một cách bạo liệt ra sao. Phải nối kết các câu chuyện này với nhau thì bản hồ sơ đệ trình UNESCO mới đạt được sức thuyết phục.
Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Cao Phong phân tích, hiện tại Việt Nam có 7 di sản thiên nhiên, văn hoá được UNESCO công nhận; trong đó có hai di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; chưa có di sản nào được công nhận về nghiên cứu khảo cổ học và cũng chưa có di sản nào được đệ trình theo tiêu chí hỗn hợp như Quần thể danh thắng Tràng An lần này. Vẫn biết rằng, còn nhiều việc phải làm nhưng theo ông Phong, xây dựng hồ sơ di sản cho quần thể danh thắng Tràng An trình Tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới theo ba tiêu chí 5, 7, 8 là phù hợp nhất trong thời điểm hiện nay./.