Trong nhiều năm qua, do biết khai thác những tiềm năng văn hóa đặc trưng của một vùng đất di sản, Quảng Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, các làng nghề truyền thống với chiều sâu văn hóa đặc sắc đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, là lời mời gọi hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế đến với vùng đất này.
Nguyên vẹn không gian làng nghề
Theo các nguồn tư liệu thư tịch, hoạt động nghề truyền thống ở thương cảng Hội An xưa rất nhộn nhịp với khoảng hơn 50 nghề tập trung vào 4 nhóm: Thủ công mỹ nghệ; dịch vụ khai thác; chế biến gia công và nhóm nghề đặc biệt. Lâu nay, việc bảo tồn và khai thác du lịch ở các làng nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế... theo hướng giữ gìn nguyên vẹn cảnh quan, không gian sinh động của làng nghề để tạo điểm nhấn du lịch cho du khách, từ đó trình diễn, giới thiệu các công đoạn sản xuất... là hướng đi đúng đắn và phát huy hiệu quả rõ nét.
Hình ảnh những xa quay, nong tằm, khung dệt; bóng dáng của các thôn nữ xe chỉ, luồn kim... trong khoảng không gian tằm tang quê cũ ở Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An thời gian gần đây là một nét mới trong nỗ lực giới thiệu về nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải ở Hội An. Cạnh đó, những dụng cụ đánh bắt sông nước cũng luôn thu hút sự chú ý, tìm hiểu của du khách
Tại làng rau Trà Quế, hiện nay đang có mô hình hiệu quả nhất trong việc kết hợp giữa làng nghề truyền thống với làng nghề du lịch. Tour du lịch “Một ngày làm cư dân phố cổ với nghề trồng rau” luôn có sức thu hút đối với du khách quốc tế. Những vị khách đến đây luôn muốn được chiêm ngắm không gian nguyên vẹn, dân dã của làng nghề, được hóa thân thành những nông dân thực thụ để làm ra những sản phẩm mà họ chưa từng được làm.
Ngôi làng này hiện có 220 gia đình làm nghề nông nghiệp, trong đó có gần 200 hộ chuyên trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích 40ha. Theo thống kê của Trung tâm lữ hành thuộc Công ty Dịch vụ du lịch Hội An, từ năm 2005 đến nay, mỗi năm có hơn 1.000 lượt khách nước ngoài cùng hàng ngàn khách nội địa đến “làm nông dân” tại làng rau này. Doanh thu từ du lịch của làng rau Trà Quế đã đạt trên 3 tỷ đồng/năm.
Câu chuyện văn hóa nghề
Khai thác tiềm năng du lịch của nghề truyền thống còn cung cấp cho du khách những “câu chuyện về văn hóa nghề”, làm cho họ hiểu biết sâu sắc về sản xuất, về giá trị sản phẩm kết tinh từ công sức và tài khéo léo của người lao động. Bà Hoàng Kim, chủ cơ sở sản xuất lồng đèn tại Hội An cho biết: “Khách nước ngoài đến với cơ sở chúng tôi rất muốn tự làm một hoặc vài công đoạn để cho ra chiếc lồng đèn mang nhãn hiệu Phố Hội. Họ tỏ ra thích thú khi tận mắt chứng kiến quá trình thao tác, được hướng dẫn làm thử và mua lại làm kỷ niệm những sản phẩm mà chính tay họ đã làm ra. Hiện, ngoài nghề làm lồng đèn, may mặc..., vẫn còn nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác như làm giày dép, thêu - vẽ trên vải, đan mây - tre, chạm trổ gỗ... tại Quảng Nam có thể đẩy mạnh khai thác theo hướng này”.
Ở tỉnh Quảng Nam, nếu không muốn làm nông dân, hay công nhân mà trở thành ngư phủ, du khách cũng có thể ghé thăm những làng chài ven biển, như làng chài Phước Trạch nằm nép mình giữa cù lao yên ả ven biển Cửa Đại, cách Hội An khoảng 3km về phía Nam. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm một cảm giác thú vị là trở thành... ngư dân.
Đón tiếp họ là những người dân chài da đen sạm, lấm lem bùn cát nhưng luôn sẵn sự hồn hậu và tấm lòng hiếu khách. Giữa rừng dừa nước xanh tươi, mát rượi, du khách sẽ có cảm giác mình là những ngư dân chính hiệu đang câu cá, mực giữa biển khơi bao la. Tất cả cá, cua đánh bắt đều được đem ra chế biến thành những món hải sản đặc sắc.
Ông Giôn Xơ-mít, du khách đến từ Vương quốc Anh cảm nhận: “Gia đình chúng tôi đã có một kỳ nghỉ thật ý nghĩa và đầy thú vị. Chúng tôi được tận hưởng cuộc sống dân dã, bình dị, sống chung với những người dân chài hiền hòa và lạc quan. Đặc biệt, được thưởng thức nét văn hóa đậm bản sắc Việt Nam. Những câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc của họ giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống của những ngư dân làng chài”.
Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây của tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) tại các làng nghề ở Quảng Nam cho thấy, tiềm năng du lịch làng nghề tại đây khá lớn. Bởi các làng nghề truyền thống đã có thương hiệu nổi tiếng lâu đời, cảnh quan làng nghề đẹp, cơ sở hạ tầng thuận lợi, khả năng liên kết với các chương trình và điểm du lịch khác khá cao.
Những thành công bước đầu từ việc phát triển du lịch làng nghề là tín hiệu vui, tuy nhiên, theo nhiều nhà quản lý ngành du lịch Quảng Nam cần xác định tiếp tục thay đổi, cải tiến mẫu mã sản phẩm, chương trình tour, tuyến để khách du lịch không thấy nhàm chán và hài lòng với sự lựa chọn của mình...
Báo Biên Phòng