Quảng Ninh đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Cập nhật: 02/08/2012
Mục tiêu chung của tỉnh và thành phố là phấn đấu xây dựng Hạ Long trở thành thành phố du lịch xanh, sạch, đẹp đạt chuẩn đô thị loại 1 vào năm 2013. Để đạt được mục tiêu đó, Hạ Long đã và đang tập trung nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Những chuyển biến tích cực

Để công tác đảm bảo môi trường đô thị (MTĐT) được tốt, Hạ Long đã chủ động triển khai và có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Thành uỷ, HĐND thành phố có nghị quyết chuyên đề về công tác MTĐT; UBND thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, đất đai; quy hoạch phát triển bảo vệ rừng; bố trí đủ vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật về MTĐT. Bên cạnh đó, thành phố chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về chấp hành và thực hiện Luật BVMT, các quy định của địa phương về vệ sinh MTĐT; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về môi trường theo quy định. Hiện thành phố đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch để quản lý và đầu tư hạ tầng kỹ thuật về MTĐT, như: Quy hoạch xây dựng đô thị, giao thông, cấp thoát nước, khu CN-TTCN, khu chôn lấp xử lý rác thải, nước thải, nghĩa trang, nghĩa địa; quy hoạch bảo vệ và phát triển các loại rừng (đặc dụng, trồng, phòng hộ, ngập mặn); nhất là quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống cảng vận chuyển than, nhà máy sàng tuyển than về nơi xa khu dân cư, kết thúc khai thác than lộ thiên vào năm 2015... Đồng thời tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tốt công tác đảm bảo MTĐT, như hệ thống đường giao thông, vỉa hè, cây xanh đường phố, hệ thống thoát nước. Kinh phí cấp cho dịch vụ công ích làm VSMT mỗi năm một tăng (năm 2009 là 45 tỉ đồng; năm 2010 là 83 tỉ đồng và năm 2011 trên 100 tỉ đồng).

Việc bảo vệ phát triển rừng - lá phổi của thành phố luôn được quan tâm. Từ năm 2005 đến nay, Hạ Long đã trồng được hơn 1.096ha rừng; đồng thời mỗi năm huy động người dân, doanh nghiệp trồng trên 1 triệu cây xanh tại các khu vực để hoàn nguyên môi trường sau khai thác than. Thành phố còn phối hợp với BQL Vịnh Hạ Long để giữ gìn cảnh quan môi trường trên Vịnh. Thành phố đã xây dựng quy chế quản lý Vịnh Hạ Long, quy hoạch các điểm neo đậu và sắp xếp nhà bè theo quy hoạch; quy hoạch các điểm nuôi trồng thuỷ sản; vận động nhân dân thay phao xốp bằng các loại phao bền vững không phát tán ra môi trường; tổ chức thu gom rác thải, nước thải trên các nhà bè và mặt vịnh để đưa lên bờ xử lý đúng quy trình.

Hiện, Hạ Long có bãi rác ở Đèo Sen và Hà Khẩu với công suất 450 tấn/ngày, nhà máy xử lý rác thải tại Hà Khánh công suất 150 tấn/ ngày và 2 nhà máy xử lý nước thải tổng công suất 10.700m3/ngày, đêm, góp phần đưa tỉ lệ xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn đạt hơn 10,2%. Cùng với đó, thành phố còn triển khai đồng bộ các dịch vụ VSMT, trung bình mỗi ngày thu gom, vận chuyển và xử lý 200 tấn rác, đạt tỉ lệ thu gom 98% đối với khu vực trung tâm và 85% các khu vực xa trung tâm. Với những nỗ lực, năm 2008, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Đông Á lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội, Hạ Long là nơi duy nhất của Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường các nước ASEAN 2008”; năm 2010 được Hiệp hội Đô thị Việt Nam công nhận là “Đô thị xanh - sạch - đẹp”.

Vẫn còn Nhiều khó khăn, thách thức

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý và BVMT trên địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Tốc độ phát triển quá nhanh, nhất là hoạt động sản xuất công nghiệp khai thác than, khoáng sản, xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp; sự gia tăng dân cư, đô thị hoá… trong khi công tác BVMT chưa theo kịp. Riêng các doanh nghiệp ngành Than đóng trên địa bàn thành phố, hằng năm khai thác, chế biến, tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn than (năm 2011 là 12 triệu tấn, 6 tháng đầu năm 2012 là 7 triệu tấn), bên cạnh các lợi ích kinh tế mang lại, thì hoạt động từ khai thác than đã tác động, ảnh hưởng lớn đến MTĐT, như bụi, tiếng ồn, sạt lở đất đá, nước thải ô nhiễm…

Việc xây dựng nhiều các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, mặc dù tất cả các nhà đầu tư đã cam kết thực hiện tốt công tác BVMT, nhưng những tác động tiêu cực tới Vịnh Hạ Long vẫn không tránh khỏi. Lưu lượng khí thải từ các nhà máy xi măng và nhiệt điện ước tính khoảng 4-5 triệu m3/h phát tán ra, làm ảnh hưởng tới môi trường quanh khu vực Vịnh Cửa Lục. Vịnh Hạ Long cũng là nơi tiếp nhận từ 2.000-3.000m3 nước thải công nghiệp/ngày, đêm từ các khu công nghiệp. Các dự án lấn biển hình thành các khu đô thị mới trong những năm qua đã gây biến đổi đường bờ biển, thay đổi môi trường tự nhiên, suy giảm diện tích rừng ngập mặn. Các tuyến đường vận chuyển vật liệu san lấp chủ yếu trên quốc lộ 18A, tỉnh lộ, đường nội thị, gây bụi và tiếng ồn trong các khu dân cư.

Bên cạnh đó, các hoạt động đa ngành nghề và sự gia tăng dân số trên biển; sự phát triển của ngành du lịch cả về số lượng và chất lượng; hạ tầng đô thị, tuy đã được đầu tư nhưng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị hiện nay. Nhiều doanh nghiệp ý thức BVMT còn thấp, tỉ lệ các đơn vị thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết môi trường còn ít; còn nhiều cơ sở sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Các quy định của pháp luật về BVMT còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa được bổ sung kịp thời. Kinh phí chi đầu tư cho công tác BVMT chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nguồn vốn xã hội hoá còn rất thấp. Nhiều dự án về BVMT triển khai còn chậm, một số dự án đã được phê duyệt trong kế hoạch nhưng chưa được bố trí vốn nên hiệu quả đạt được chưa cao…

Những bất cập trên đòi hỏi Hạ Long cần phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, nhằm đạt được mục tiêu trở thành thành phố du lịch xanh, sạch, đẹp đạt chuẩn đô thị loại 1 vào năm 2013.

Hoài Anh


Nguồn: Báo Quảng Ninh