Bảo vệ lá phổi xanh cho vùng Đông Nam Bộ

Cập nhật: 06/08/2012
Đồng Nai có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 197.000 ha, gồm hơn 103 ngàn ha rừng đặc dụng, hơn 42 ngàn ha rừng phòng hộ, hơn 35 ngàn ha rừng sản xuất và hơn 16.500 ha đất có rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng trên. Đặc biệt, tỉnh còn nhiều diện tích rừng đặc dụng và nguyên sơ, những cánh rừng ở đây được xem là lá phổi xanh của khu vực Đông Nam Bộ.

Vì vậy, việc lập quy hoạch nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) Đồng Nai giai đoạn 2011-2020 là vô cùng cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cho cả vùng cùng hướng đến phát triển bền vững.

Những thách thức

Ngoài diện tích rừng đặc dụng, tài nguyên động thực vật rừng của rừng Đồng Nai khá đa dạng và phong phú với 1.401 loài thực vật, thuộc 623 chi, 156 họ, 92 bộ, 10 lớp, 06 ngành thực vật khác nhau; 1.781 loài động vật thuộc 211 họ, 51 bộ. Thời gian qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan Công an, Quân đội, Quản lý thị trường …tổ chức truy quét các bến bãi ven lòng hồ, các tụ điểm mua bán, tàng trữ lâm sản trái phép; phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, trong đó phần lớn lâm sản có nguồn gốc từ các tỉnh lân cận ngang qua địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ vậy, trong 5 năm liền trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ cháy rừng lớn.

Cùng với công tác bảo vệ rừng, diện tích trồng rừng của tỉnh tính đến tháng 12/2010 có 56.331,2 ha, chiếm 33,5% diện tích đất có rừng. Trong đó đất rừng phòng hộ là 17.861,4 ha, rừng đặc dụng 4.443,1 ha, rừng sản xuất là 34.027,1 ha. Trong 12 năm qua, tỷ lệ che phủ rừng của Đồng Nai liên tục tăng (từ 25,46% năm 2001 lên 28,44 % năm 2010 ) .

Tuy vậy, công tác quản lý BVPTR của Đồng Nai thời gian qua vẫn còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Đó là tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra phức tạp. Do lực lượng chức năng còn mỏng, vũ khí và công cụ hỗ trợ được trang bị còn hạn chế nên chưa trấn áp được những đối tượng vi phạm. Một số đối tượng vi phạm có phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, không theo quy luật nhất định, thường xuyên lợi dụng người đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người già để ngăn cản lực lượng chức năng thi hành công vụ, hoặc thuê mướn những đối tượng trên vào rừng khai thác lâm sản, săn, bẫy động vật rừng để bán cho bọn đầu nậu đưa đi tiêu thụ.

Việc sắp xếp, di dời ổn định dân cư chưa được triển khai, một bộ phận dân cư đang sinh sống trong các khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, với tập quán sinh sống vẫn còn quen dựa vào tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng hoặc buôn bán, sang nhượng đất trái phép. Đây là thách thức rất lớn cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Nhu cầu lâm sản ngày càng tăng đang tạo sức ép đối với tài nguyên rừng và môi trường, đặc biệt đối với rừng tự nhiên. Diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khô hạn kéo dài đã gây thiệt hại không nhỏ đến tài nguyên rừng, nguy cơ xảy ra cháy rừng ngày càng cao.

Đồng Nai hiện có trên 13.200 hộ dân (hơn 38.000 nhân khẩu) đang sinh sống trên đất lâm nghiệp, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 20%. Đối tượng được nhận khoán đất lâm nghiệp hơn 10.200 hộ (chiếm gần 77%). Ông Dương Văn Phi – Trưởng phòng Lâm nghiệp, Sở NN& PTNT tỉnh, cho biết: Tình hình dân cư sử dụng đất lâm nghiệp phức tạp; dân cư phân bố rải rác, đan xen trong rừng; đời sống nhiều hộ dân còn thấp, hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa phát triển…đã ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng, nhất là ở những khu vực giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước. 6 tháng đầu năm nay, các ngành chức năng đã phát hiện 131 vụ vi phạm luật BVPTR, giảm 27% số vụ vi phạm so cùng kỳ năm 2011.

Quy hoạch giai đoạn 2011-2020

Để nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 29,7% vào năm 2015 và 29 % năm 2020, tỉnh Đồng Nai đã lập quy hoạch bảo vệ diện tích rừng tự nhiện hiện có, từng bước nâng cao chất lượng rừng, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên rừng của tỉnh, phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm đặc hữu, phục hồi hệ sinh thái cây gỗ lớn bản địa. Đồng thời, đầu tư duy trì phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Trị An - sông Đồng Nai, góp phần đáp ứng nhu cầu về lâm sản và phát triển kinh tế.

Trong việc lập quy hoạch, tỉnh đã lấy việc đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý BVR trong những năm qua làm cơ sở xác định mục tiêu phát triển lâm nghiệp của tỉnh đến năm 2020. Việc quy hoạch BVPTR là cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên rừng; duy trì và phát huy những giá trị đặc trưng về địa lý, cảnh quan thiên nhiên đã được UNESCO/ MAB và ban thư ký Công ước Ramsar công nhận; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, phục vụ nghiên cứu khoa học, kết hợp du lịch sinh thái...

Theo đó, tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp của tỉnh Đồng Nai tới năm 2015 là 177.438,6 ha ; đến năm 2020 là 172.968 ha, chiếm 29,3 % diện tích tự nhiên của tỉnh . Trong g iai đoạn 2011 - 20 20, tỉnh dự kiến trồng mới 2.599 ha; trồng rừng thay thế, nâng chất lượng 7.464 ha; trồng lại rừng sau khai thác 10.631 ha ; khoanh nuôi phục hồi 2.443,8 ha; đầu tư xây dựng 30 chòi canh; 27 hồ đập chứa nước chữa cháy rừng; xây dựng mới 18 trạm kiểm lâm bảo vệ rừng; giảm 50% các vụ vi phạm pháp luật về rừng...Tổng nguồn vốn đầu tư cho quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn này là trên 772 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, việc lập quy hoạch BVPTR của tỉnh giai đoạn 2011-2020 là rất cần thiết và cấp bách, vì nó không chỉ bảo vệ các giá trị của tài nguyên thiên nhiên rừng mà còn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với bảo vệ môi trường.

Song để đạt được các mục tiêu đề ra, việc thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phải dựa trên nền tảng quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo đảm an ninh môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thực hiện hiệu quả chức năng phòng hộ, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, góp phần giảm nghèo ở nông thôn, miền núi… là một việc làm hết sức khó khăn, lâu dài và bền bỉ. Trong đó cần có sự góp sức chung tay của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ và các Bộ, ngành Trung ương mới hy vọng giữ vững lá phổi xanh còn lại ở khu vực này.

Nguồn: Tinmoitruong.vn /TTXVN