Ông Lê Văn Lanh, Hiệp hội Vườn Quốc gia&Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam, đánh giá hoạt động du lịch sinh thái ở các khu bảo tồn thiên nhiên có thể mang lại nguồn thu đáng kể do nhiều lợi thế nhưng cũng bị hạn chế do nhiều khó khăn và thách thức.
Năm 2011, vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng đón 261.231 lượt khách, doanh thu 14,1 tỷ đồng; Cát Tiên 18.224, doanh thu 5 tỷ đồng; Ba Vì 90.582, doanh thu 1,6 tỷ đồng; Cúc Phương 69.895, doanh thu 3,45 tỷ đồng; Côn Đảo 8.777, doanh thu 1,5 tỷ đồng; U Minh Thượng 38.038 lượt khách, doanh thu 1,148 tỷ đồng.
Theo báo cáo của 14/30 vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên, năm 2011 đã đón tiếp 728.000 lượt khách, với tổng doanh thu trên 30 tỷ đồng. Năm 2011, ngành du lịch Việt Nam đón 6 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu hơn 130.000 tỷ đồng. Năm 2012, Việt Nam đặt mục tiêu đón 6,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 32 triệu lượt khách nội địa, thu nhập du lịch đạt 145.000 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Lanh cho biết hiện nay hoạt động du lịch sinh thái ở Việt Nam chưa có sản phẩm và thị trường mục tiêu. Hoạt động du lịch sinh thái ở các khu bảo tồn thiên nhiên thực ra là du lịch dựa vào thiên nhiên có định hướng du lịch sinh thái. Các hoạt động du lịch sinh thái thường bao gồm nghiên cứu, tìm hiểu các hệ sinh thái; tham quan, tìm hiểu đời sống động thực vật hoang dã, và văn hóa bản địa.
"Do chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế và gặp khó khăn trong khâu quảng bá, tiếp thị nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch, lợi ích mang lại cho người dân còn rất khiêm tốn", ông Lanh nói.
Không chỉ vậy, theo GS.TS Trương Bá Thanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, du lịch càng phát triển thì tác hại đến môi trường tự nhiên lại càng lớn như suy thoái đất đai, nguồn nước, cảnh quan tự nhiên sẽ bị phá vỡ, mất dần vẻ đẹp tự nhiên.
Bảo vệ và gìn giữ nguồn lợi tự nhiên là kết quả của việc phân phối công bằng lợi nhuận tạo ra từ du lịch cho nhân dân địa phương trong quá trình phát triển và hình thành du lịch địa phương. Bền vững về môi trường là điều kiện để nâng cao giá trị tài nguyên, nâng cao khả năng thu hút kinh doanh du lịch, gia tăng chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư.
"Bền vững về mặt kinh tế trong du lịch chính là việc đạt được các chỉ tiêu như lượng khách đến, thời gian lưu lại của khách, mức độ chi tiêu của khách ảnh hưởng đến doanh thu, mức thu nhập mà người dân địa phương ở hiện tại mà vẫn tạo cơ hội đạt được các chỉ tiêu kinh tế trong tương lai", theo ông Thanh.
Phát triển du lịch bền vững là hoạt động khai thác có quản lý các giá trị tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai, cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương.
Theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020, nhà nước khuyến khích phát triển các hoạt động dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm tạo nguồn thu để bù đắp các chi phí, nâng cao thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, và thay thế dần đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.
Tại hội thảo tương lai rừng đặc dụng Việt Nam hồi giữa tháng 6, ông Lê Văn Lanh cho rằng để phát triển du lịch sinh thái, nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích đầu tư vào các khu du lịch sinh thái thích đáng. Những nguồn vốn chủ yếu bao gồm từ các doanh nghiệp trong cả nước, vốn trong dân; vốn thông qua cổ phần hóa các doanh nghiệp du lịch; vốn từ việc "nhượng quyền kinh doanh"; cho thuê môi trường rừng; dùng quỹ đất để tạo nguồn vốn thông qua hình thức cho thuê đất, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh với nước ngoài. Với nguồn vốn này, cần ưu tiên cho các nhà đầu tư có đủ năng lực để đầu tư xây dựng các dự án du lịch sinh thái trọng điểm. Vốn ngân sách nhà nước ưu tiên sử dụng vào việc phát triển cơ sở hạ tầng; vào công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, xúc tiến quảng bá du lịch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Theo ông Thanh, để phát triển bền vững du lịch, vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường là yêu cầu cốt lõi. Tổ điều phối, các bộ ngành trung ương phải ban hành các văn bản pháp quy làm cơ sở pháp lý cho quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch.